23467

Công văn số 268/CV-TTNN ngày 27/03/2002 của Thanh tra Nhà nước về việc sơ kết, tổng kết thực hiện Luật KNTC và PL thanh tra

23467
Tư vấn liên quan
LawNet .vn

Công văn số 268/CV-TTNN ngày 27/03/2002 của Thanh tra Nhà nước về việc sơ kết, tổng kết thực hiện Luật KNTC và PL thanh tra

Số hiệu: 268/CV-TTNN Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Thanh tra Nhà nước Người ký: Vũ Phạm Quyết Thắng
Ngày ban hành: 27/03/2002 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 268/CV-TTNN
Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Thanh tra Nhà nước
Người ký: Vũ Phạm Quyết Thắng
Ngày ban hành: 27/03/2002
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật
Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

THANH TRA NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 268/CV-TTNN
V/v sơ kết, tổng kết thực hiện Luật KNTC và PL thanh tra

Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2002

 

Kính gửi:

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

Thực hiện xây dựng chương trình xây dựng pháp luật năm 2002 do Quốc hội, Chính phủ giao Thanh tra Nhà nước chủ trì soạn thảo dự án Luật thanh tra (thay thế Pháp lệnh thanh tra năm 1990) và sửa đổi Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998, phần sơ kết, tổng kết việc thực hiện 2 văn bản pháp luật nói trên làm cơ sở cho việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật khiếu nại, tố cáo và ban hành Luật thanh tra.

Thanh tra Nhà nước đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức việc sơ kết 3 năm thực hiện Luật khiếu nại, tố cáo và tổng kết thực hiện Pháp lệnh thanh tra trong phạm vi Bộ, ngành, địa phương mình. Việc sơ kết, tổng kết cần được tiến hành rộng rãi với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và một số doanh nghiệp. Đối với cấp Bộ cần có sự tham gia của các Vụ, đơn vị thuộc Bộ. Đối với các tỉnh cần có sự tham gia của các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã. Thanh tra Bộ, ngành, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tham mưu giúp lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Thời gian tiến hành sơ kết, tổng kết thực hiện trong tháng 4/2002. Nội dung sơ kết, tổng kết theo đề cương hướng dẫn gửi kèm theo công văn này. Báo cáo sơ kết thực hiện Luật khiếu nại, tố cáo và tổng kết thực hiện Pháp lệnh thanh tra của các Bộ, ngành, địa phương xin gửi về Thanh tra Nhà nước trước ngày 30/4/2002.

Thanh tra Nhà nước mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và phối hợp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc sơ kết Luật khiếu nại, tố cáo, tổng kết Pháp lệnh thanh tra nhằm thực hiện tốt chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và Chính phủ giao./.

 

KT. TỔNG THANH TRA NHÀ NƯỚC
PHÓ TỔNG THANH TRA NHÀ NƯỚC




Vũ Phạm Quyết Thắng

 

 

HƯỚNG DẪN TỔNG KẾT THỰC HIỆN PHÁP LỆNH THANH TRA

A- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU TỔNG KẾT PHÁP LỆNH THANH TRA

- Tổng kết thực hiện Pháp lệnh thanh tra nhằm đánh giá những điểm phù hợp hoặc không phù hợp trong quy định của Pháp lệnh thanh tra từ đó xác định những nội dung cần quy định trong Luật thanh tra. Giải quyết những vấn đề vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức Thanh tra Nhà nước hiện nay.

- Gắn việc tổng kết thực hiện quy định của Pháp lệnh với yêu cầu cải cách bộ máy Nhà nước, nền hành chính Nhà nước. Cụ thể là yêu cầu thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp 1992, yêu cầu cải cách cơ quan tư pháp, sửa đổi các Luật Tổ chức Chính phủ, luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp, Luật Tổ chức Toà án, Luật tổ chức Viện Kiểm sát... và việc thực hiện các quy định về thanh tra chuyên ngành trong các văn bản pháp luật hiện nay. Từ việc đánh giá kết quả hoạt động thanh tra tìm ra những ưu điểm, những mặt còn tồn tại và không hợp lý của quy định Pháp lệnh thanh tra và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị những nội dung cần quy định trong luật thanh tra.

- Việc tổ chức triển khai tổng kết thực hiện Pháp lệnh thanh tra phải đảm bảo tính khách quan, xuất phát từ hoạt động thực tiễn và cần có sự tham gia rộng rãi của các cơ quan, tổ chức kể cả đối tượng thanh tra (doanh nghiệp).

- Những kiến nghị về những nội dung dự án Luật thanh tra cần được nêu cụ thể và lý giải về mặt thực tiễn.

B- NỘI DUNG TỔNG KẾT PHÁP LỆNH THANH TRA

I- Tổng kết kết quả hoạt động thanh tra từ 1998 đến nay:

Tổng hợp kết quả hoạt động thanh tra trên các lĩnh vực kinh tế xã hội trong 4 năm từ 1998 đến 2001. Đề nghị tổng hợp kết quả các sai phạm được phát hiện qua hoạt động thanh tra (không tách riêng từng lĩnh vực): số tài sản kiến nghị thu hồi, số đã thu hồi được, số kiến nghị chấn chỉnh quản lý, số người bị xử lý kỷ luật qua thanh tra, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra... Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện Pháp lệnh.

II- Đánh giá việc thực hiện các quy định của Pháp lệnh thanh tra

1) Về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh

Pháp lệnh thanh tra 1990 điều chỉnh tổ chức và hoạt động của hệ thống các tổ chức Thanh tra Nhà nước gồm Thanh tra Nhà nước, Thanh tra Bộ ngành, Thanh tra tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Thanh tra Sở, Thanh tra Huyện quận. Tuy nhiên, sau 12 năm thực hiện, nhiều vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh cần được nghiên cứu xem xét để đáp ứng yêu cầu xây dựng Luật thanh tra, cụ thể là các vấn đề sau:

- Thanh tra chuyên ngành chưa được điều chỉnh trong Pháp lệnh thanh tra 1990 trong khi từ sau Hiến pháp 1992 được ban hành có rất nhiều văn bản pháp luật khác đề cập tới. Vấn đề này cần được xử lý như thế nào?

- Tổ chức và hoạt động của tổ chức thanh tra nhân dân tuy được điều chỉnh trong Pháp lệnh 1990 nhưng đây là hoạt động giám sát của nhân dân không mang tính quyền lực Nhà nước, vậy có nên điều chỉnh trong luật thanh tra không hay điều chỉnh tại một văn bản pháp luật khác.

- Pháp lệnh thanh tra không điều chỉnh hoạt động thanh tra của các doanh nghiệp, tuy nhiên trên thực tế hoạt động thanh tra của các doanh nghiệp Nhà nước (tổng công ty 90, 91) là khá phổ biến. Có nên điều chỉnh hoạt động thanh tra này trong Luật thanh tra không?

Luật thanh tra có nên điều chỉnh tất cả các loại hình thanh tra này không? Loại hình thanh tra nào cần điều chỉnh, loại hình nào không cần điều chỉnh?

2) Về vị trí, tổ chức của các tổ chức Thanh tra Nhà nước:

- Theo quy định của Pháp lệnh thanh tra thì các tổ chức Thanh tra Nhà nước có vị trí thuộc cơ quan hành pháp (Thanh tra Nhà nước là cơ quan của Chính phủ, Thanh tra Bộ ngành, Thanh tra cấp tỉnh, Thanh tra Sở, Thanh tra huyện là cơ quan chuyên môn của cơ quan quản lý hành chính cùng cấp). Vị trí này có điểm gì phù hợp và không phù hợp trong việc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra?

- Việc thực hiện nguyên tắc song trùng trực thuộc (các tổ chức Thanh tra Nhà nước chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp và sự chỉ đạo về nghiệp vụ của tổ chức thanh tra cấp trên) có điểm nào phù hợp và chưa phù hợp, nếu chưa phù hợp thì cần xử lý như thế nào trong Luật thanh tra?

- Tổ chức của các cơ quan Thanh tra Nhà nước theo Pháp lệnh thanh tra 1990 có phù hợp không? Còn có những vấn đề gì cần kiện toàn, sắp xếp lại?

- Việc bổ nhiệm chức danh Chánh, Phó Chánh thanh tra, thanh tra viên như quy định hiện hành có phù hợp không?

- Ở một số Bộ ngành, Thanh tra chuyên ngành có vị trí độc lập với Thanh tra Bộ, ngành, cần điều chỉnh vấn đề này như thế nào?

3) Chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thanh tra:

- Chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức Thanh tra Nhà nước theo quy định của Pháp lệnh thanh tra có phù hợp không? Pháp lệnh 1990 quy định các tổ chức Thanh tra Nhà nước “thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trừ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, kiểm sát của các cơ quan điều tra, kiểm sát, toà án...” quy định này có điểm nào còn phù hợp, điểm nào không còn phù hợp? Nếu không phù hợp thì hướng xử lý trong Luật thanh tra như thế nào?

- Pháp lệnh thanh tra quy định các tổ chức Thanh tra Nhà nước có nhiệm vụ “xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết hoặc giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại tố cáo” có phù hợp không? Nhiệm vụ này không quy định trong Luật thanh tra mà chỉ quy định trong Luật khiếu nại tố cáo thì có hợp lý không?

- Phạm vi hoạt động của mỗi tổ chức Thanh tra Nhà nước căn cứ trên chức năng quản lý Nhà nước của cơ quan quản lý hành chính cùng cấp, quy định này có điểm nào phù hợp, điểm nào không phù hợp? Nguyên tắc quản lý theo ngành và lãnh thổ có ảnh hưởng như thế nào trong hoạt động của các tổ chức Thanh tra Nhà nước, có chồng lấn trong hoạt động của Thanh tra bộ ngành và thanh tra cấp không? Nếu có chồng lấn thì hướng xử lý nên như thế nào?

- Hiện nay một số Bộ có mô hình tổ chức Thanh tra Bộ vừa thực hiện chức năng thanh tra Nhà nước vừa thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có phù hợp không? Cần kiện toàn như thế nào để tổ chức Thanh tra Bộ làm tốt nhiệm vụ của mình.

- Theo quy định của Hiến pháp sửa đổi thì Viện kiểm sát nhân dân không làm chức năng kiểm sát chung mà chỉ làm chức năng công tố, các tổ chức Thanh tra Nhà nước cần phải làm gì để tăng cường hiệu quả hoạt động của mình trong thanh tra việc chấp hành pháp luật?

- Pháp lệnh thanh tra 1990 quy định Uỷ ban nhân dân xã phường, thị trấn đảm nhiệm chức năng thanh tra ở xã, phường có phù hợp không? Việc thực hiện chức năng thanh tra tại cấp xã phường đã tốt chưa?

4) Quyền hạn của các tổ chức thanh tra Nhà nước:

- Các quyền hạn được quy định trong Pháp lệnh thanh tra có điểm gì phù hợp và không phù hợp? Cần bổ sung thêm quyền hạn gì để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra?

- Pháp lệnh thanh tra 1990 chưa quy định rõ quyền xử lý tại chỗ các vi phạm như thu hồi tài sản khi có vi phạm, quyền xử lý cụ thể các vi phạm hành chính, cần xử lý vấn đề này như thế nào trong luật thanh tra?

- Việc thực hiện quyền yêu cầu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, xử lý những vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu cấu thành tội phạm cần quy định như thế nào để tăng cường hiệu lực thanh tra?

- Quy định quyền kê biên tài sản cho các tổ chức Thanh tra Nhà nước có phù hợp không? Quyền tạm giữ tiền, tài sản... trong quá trình thanh tra có cần phải quy định cụ thể hơn không? Hướng dẫn thực hiện quyền thanh tra tại Thông tư 01/TT-TTr có điểm nào phù hợp, điểm nào không phù hợp? Cần sửa đổi hoặc bổ sung như thế nào?

- Các quy định về quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên và các thành viên trong đoàn thanh tra có cần phải quy định cụ thể trong Luật thanh tra không? Cần phải bổ sung những quyền hạn gì để hoạt động thanh tra đảm bảo nguyên tắc độc lập, khách quan?

5) Về trình tự, thủ tục thanh tra:

- Các quy định của Pháp lệnh thanh tra 1990 về trình tự thủ tục thanh tra có điểm nào hợp lý, điểm nào không hợp lý? Cần bổ sung thêm quy định nào để đảm bảo chất lượng và hiệu quả cuộc thanh tra?

- Các quy định về thời gian tiến hành một cuộc thanh tra theo quy định tại Nghị định 244HĐBT và Nghị định 61/1998/NĐ-CP đã phù hợp chưa? Nếu chưa thì sửa đổi như thế nào cho phù hợp?

- Pháp lệnh thanh tra 1990 quy định thủ trưởng cơ quan Nhà nước, thủ trưởng các tổ chức thanh tra có quyền ra quyết định thanh tra, quy định này có phù hợp với mọi tổ chức thanh tra không? Việc quy định quyết định thanh tra dựa vào căn cứ là “những vụ việc được thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, thủ trưởng thanh tra cấp trên giao” có hợp lý không? Cần xử lý vấn đề này với việc thực hiện thanh tra theo chương trình kế hoạch đã được phê duyệt như thế nào?

- Pháp lệnh thanh tra 1990 quy định khi kết thúc cuộc thanh tra đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên có quyền được “kết luận, kiến nghị, quyết định về những nội dung đã thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các kết luận, kiến nghị, quyết định của mình”. Quyền hạn này có điểm gì phù hợp và không phù hợp trong mối quan hệ giữa người ra quyết định thanh tra và đoàn thanh tra hoặc giữa thủ trưởng cơ quan thanh tra và đoàn thanh tra?

6) Quy định về thanh tra viên và cộng tác viên:

- Các quy định về thanh tra viên và cộng tác viên trong Pháp lệnh thanh tra và các văn bản hướng dẫn đã hợp lý chưa? Cần bổ sung thêm những quy định nào để nâng cao hơn nữa phẩm chất năng lực của đội ngũ thanh tra viên?

- Pháp lệnh thanh tra quy định trong hoạt động thanh tra, thanh tra viên chỉ tuân theo pháp luật và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận, kiến nghị, quyết định thanh tra của mình. Cần phải xử lý mối quan hệ giữa thanh tra viên với vai trò là một thành viên trong đoàn thanh tra và Trưởng đoàn thanh tra như thế nào trong trường hợp có ý kiến khác nhau để đảm bảo quy định trên?

- Hiện tại một số Bộ ngành hình thành tổ chức thanh tra chuyên ngành và có lực lượng thanh tra viên chuyên ngành, việc bổ nhiệm không áp dụng theo quy chế thanh tra viên, vậy việc xử lý vấn đề này như thế nào nếu Luật thanh tra quy định theo hướng tổ chức Thanh tra Bộ vừa làm chức năng thanh tra Nhà nước vừa làm chức năng thanh tra chuyên ngành?

Trên đây là nội dung gợi ý trong quá trình thảo luận tổng kết thực hiện Pháp lệnh thanh tra. Ngoài những vấn đề này có thể bổ sung thêm các nội dung khác còn vướng mắc trong quá trình thực hiện Pháp lệnh thanh tra, đồng thời nêu các giải pháp để xử lý các vướng mắc đó./.

 

 

ĐỀ CƯƠNG HƯỚNG DẪN SƠ KẾT 3 NĂM THI HÀNH LUẬT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

A/ MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

Việc sơ kết 3 năm thi hành Luật khiếu nại, tố cáo nhằm đánh giá kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ba năm gần đây; đánh giá việc thực hiện những quy định của Luật, trên cơ sở đó có những kiến nghị cụ thể nhằm sửa đổi, bổ sung Luật khiếu nại, tố cáo cho phù hợp để nâng cao hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tình hình mới.

Việc triển khai sơ kết phải được tiến hành một cách khách quan, có sự tham gia của các ngành, các cấp trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành và địa phương. Những nội dung sơ kết cần cụ thể, những kiến nghị đưa ra cần có căn cứ lý luận và thực tiễn và lưu ý đến những vấn đề đã đang được sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp và các đạo luật khác cho phù hợp.

B/ NHỮNG NỘI DUNG CẦN TẬP TRUNG SƠ KẾT

I/ Tổng hợp kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 1999 đến nay.

Cần nêu được khái quát tình hình khiếu nại, tố cáo và kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi bộ, ngành, địa phương; những thuận lợi và khó khăn trong công tác này qua việc thi hành những quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.

II/ Đánh giá việc thực hiện những quy định của Luật.

Hướng vào một số nội dung cụ thể như sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh của Luật khiếu nại, tố cáo:

a/ Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 quy định chung về thẩm quyền và trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo cho tất cả các lĩnh vực, quy định như vậy có phù hợp không? Trên thực tế có gì vướng mắc với quy định của các văn bản pháp luật khác?

b/ Về khiếu nại: Luật KNTC quy định chủ thể của quyền khiến nại bao gồm công dân, cơ quan, tổ chức, trên thực tế có xảy ra khiếu nại của cơ quan Nhà nước hay không? Nếu có thì việc giải quyết có gì vướng mắc và có nên quy định quyền khiếu nại của cơ quan Nhà nước hay không?

c/ Luật KNTC có quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức. Trên thực tế có được thực hiện hay không và có nên điều chỉnh trong Luật này hay chỉ nên điều chỉnh khiếu nại của công dân với cơ quan hành chính Nhà nước còn việc khiếu nại quyết định kỷ luật của cán bộ, công chức sẽ được quy định cùng với văn bản pháp luật về cán bộ, công chức theo nguyên tắc phân cấp cán bộ, công chức hiện nay?

d/ Về tố cáo và giải quyết tố cáo: Luật KNTC quy định việc giải quyết tố cáo đối với mọi đối tượng (những hành vi vi phạm của bất cứ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào), điều này có gì vướng mắc với những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về xử lý tin báo tội phạm và quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm? Luật KNTC (sửa đổi) quy định theo hướng chỉ xử lý tố cáo đối với những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức Nhà nước trong quá trình thực thi công vụ về những vấn đề trong phạm vi quản lý hành chính Nhà nước. Quy định như vậy có phù hợp không?

2/ Về khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

a/ Luật KNTC quy định thẩm quyền giải quyết lần đầu là thủ trưởng cơ quan có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại có phù hợp không? Trên thực tế, cấp giải quyết khiếu nại lần đầu có thụ lý và giải quyết khiếu nại như quy định của Luật không (về thời hạn giải quyết, việc ra quyết định giải quyết, văn bản trả lời người khiếu nại, gặp gỡ trao đổi với người khiếu nại...); Quy định cấp giải quyết khiếu nại lần đầu phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại có phù hợp không?

b/ Khi nhận được khiếu nại về vụ việc đã quá thời hạn nhưng cấp dưới không giải quyết, hiện nay cơ quan có thẩm quyền cấp trên xử lý như thế nào? Nếu thụ lý và tự mình tiến hành giải quyết vụ việc đó thì có khó khăn gì không? Nên quy định như thế nào thì hợp lý?

c/ Luật KNTC quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại cuối cùng chủ yếu là của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (đối với vụ việc mà nội dung thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước ở địa phương) và Bộ trưởng (đối với những vụ việc mà nội dung thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ, ngành) có phù hợp không và có chấm dứt được vụ việc khiếu nại không?

d/ Có nên quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ đối với một số vụ việc như trong Luật KNTC không?

đ/ Việc quy định giải quyết khiếu nại qua nhiều cấp hành chính (đặc biệt là những khiếu nại phát sinh từ cơ sở) có phù hợp hay không và trên thực tế có hiệu quả không?

e/ Các tổ chức Thanh tra Nhà nước khi nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cùng cấp thì tiến hành thẩm tra xác minh hay phải chờ có ý kiến của Thủ trưởng mới tiến hành thẩm tra xác minh vụ việc? Trên thực tế có phải mọi vụ việc khiếu nại đều do cơ quan thanh tra tiến hành thẩm tra, xác minh không?

g/ Luật KNTC quy định việc uỷ quyền cho tổ chức thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện giải quyết khiếu nại có phù hợp với thực tế không? Việc uỷ quyền được thực hiện như thế nào? (từng vụ việc, từng loại vụ việc hay uỷ quyền toàn bộ?; có văn bản uỷ quyền hay không? Có nên duy trì cơ chế này trong thời gian tới hay không?

h/ Việc quy định một trình tự, thủ tục chung áp dụng cho mọi khiếu nại trong tất cả các lĩnh vực quản lý hành chính có phù hợp không và trên thực tế có áp dụng được không?

i/ Thời hiện khiếu nại quy định tại Luật KNTC có phù hợp không? Có quá dài hoặc quá ngắn không? Quy định thế nào là hợp lý?

k/ Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại quy định như trong Luật có phù hợp và đã đầy đủ chưa? Những điểm nào cần sửa đổi, bổ sung? Có nên cho phép người khiếu nại uỷ quyền cho luật sư hoặc cho bất kỳ người nào khác (không phải là họ hàng thân thích của mình) thay mặt thực hiện việc khiếu nại không?

l/ Quy định người khiếu nại sau khi khiếu nại lần đầu không được giải quyết thoả đáng có quyền lựa chọn một trong hai con đường (tiếp tục khiếu nại lên cấp trên hoặc khởi kiện tại Toà án), quy định này có phù hợp với thực tế không? (chẳng hạn người khiếu nại vừa tiếp tục khiếu nại vừa khởi kiện). Có nên mở rộng thẩm quyền xét xử của Toà án theo hướng Toà án có thẩm quyền xét xử toàn bộ các khiếu nại sau khi các cơ quan hành chính đã giải quyết lần đầu không?

m/ Những quy định của Luật về việc xử lý đơn thư nhận được nhưng không đúng thẩm quyền có phù hợp với thực tế hay không?

n/ Thời hạn quy định để giải quyết khiếu nại 15 ngày đối với việc giải quyết lần đầu, 45 ngày đối với các lần giải quyết tiếp theo có phù hợp hay không?

p/ Khi giải quyết vụ việc, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có ban hành quyết định giải quyết với những nội dung và hình thức như quy định của Luật hay không? Có còn tình trạng quyết định giải quyết được thể hiện dưới hình thức khác (công văn trả lời người khiếu nại, thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND, kết luận cuộc họp, biên bản cuộc họp giải quyết khiếu nại...) không?

q/ Việc quy định tổ chức đối thoại giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại có phù hợp với thực tế không? Nếu có thì trong những trường hợp nào?

r/ Việc công bố công khai quyết định giải quyết khiếu nại có thường được thực hiện hay không và đối với những vụ việc nào? Quy định của Luật KNTC về vấn đề này có gì chưa phù hợp?

s/ Việc thi hành quy định giải quyết khiếu nại có gì vướng mắc? Những quy định của Luật KNTC và Nghị định 67/NĐ về vấn đề này đã đủ và phù hợp hay chưa? Cần bổ sung những biện pháp gì khi sửa Luật KNTC.

3/ Tố cáo và việc giải quyết tố cáo:

a/ Những quy định của Luật KNTC về xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đã rõ ràng và đầy đủ chưa?

b/ Có nên quy định cấp giải quyết cuối cùng đối với một vụ việc tố cáo thuộc phạm vi hành chính không?

c/ Quy định về thủ tục tố cáo, quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo đã đầy đủ chưa và có phù hợp không? Cần phải sửa đổi, bổ sung những điểm nào?

d/ Thông thường, các cơ quan hành chính Nhà nước nhận được những tố cáo thuộc loại nào? (hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật của cán bộ công chức, vi phạm pháp luật của công dân nói chung...)

đ/ Việc xử lý tố cáo nặc danh trên thực tế được thực hiện như thế nào? Có cần thiết phải quy định việc xử lý đơn thư tố cáo nặc danh trong Luật KNTC hay không? Nếu có thì nên theo hướng nào?

e/ Có vụ việc tố cáo hành vi vi phạm xảy ra từ rất lâu và các cơ quan Nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm tra, xác định. Vậy có cần thiết phải quy định thời hiệu tố cáo hay không?

g/ Khi tiến hành thẩm tra xác minh, thông thường người giải quyết tố cáo có ra quyết định tiến hành thẩm tra xác minh như quy định của Luật KNTC không? Nếu không thì vì sao?

h/ Đối với vụ việc vừa có nội dung khiếu nại vừa có nội dung tố cáo thì cần xử lý như thế nào? Có nên xử lý vụ việc đó theo trình tự một cuộc thanh tra không?

i/ Quy định của Luật KNTC về việc chuyển hồ sơ vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm trong quá trình giải quyết tố cáo có gì vướng mắc khi thực hiện theo những quy định của Luật?

k/ Có cần thiết phải quy định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có đông người tham gia hay không?

4/ Việc tổ chức tiếp công dân

a/ Quy định của Luật KNTC về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan Nhà nước trong việc trực tiếp tiếp công dân trên thực tế có thực hiện được không? Có điểm gì khó khăn, vướng mắc?

b/ Các quy định khác về tiếp công dân (nơi tiếp dân, cán bộ tiếp dân, việc đảm bảo trật tự nơi tiếp dân...) có điểm nào chưa phù hợp cần phải sửa đổi, bổ sung trong Luật KNTC?

5/ Về quản lý công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Quy định của Luật KNTC về những nội dung này đã phù hợp chưa? có vấn đề gì khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung?

6/ Khen thưởng và xử lý vi phạm:

Những quy định của Luật KNTC về việc khen thưởng và xử lý những hành vi vi phạm của người khiếu nại, tố cáo và người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đầy đủ và phù hợp chưa? Cần sửa đổi, bổ sung điểm gì?

Ngoài những nội dung nêu trên, các đồng chí có thể nêu những vấn đề khác có vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật khiếu nại, tố cáo và Nghị định số 67, đồng thời cũng nêu lên những kiến nghị hoặc đề ra giải pháp xử lý các khó khăn vướng mắc đó làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung Luật khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản