18704

Chỉ thị 146-TTg năm 1972 về cải tiến công tác thanh toán không dùng tiền mặt ở các xí nghiệp thí điểm cải tiến quản lý do Thủ tướng Chính phủ ban hành

18704
Tư vấn liên quan
LawNet .vn

Chỉ thị 146-TTg năm 1972 về cải tiến công tác thanh toán không dùng tiền mặt ở các xí nghiệp thí điểm cải tiến quản lý do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 146-TTg Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Lê Thanh Nghị
Ngày ban hành: 20/05/1972 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: 30/06/1972 Số công báo: 10-10
Tình trạng: Đã biết
Số hiệu: 146-TTg
Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Người ký: Lê Thanh Nghị
Ngày ban hành: 20/05/1972
Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: 30/06/1972
Số công báo: 10-10
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 146-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 1972 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CẢI TIẾN CÔNG TÁC THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT Ở CÁC XÍ NGHIỆP THÍ ĐIỂM CẢI TIẾN QUẢN LÝ

Để phù hợp với yêu cầu cải tiến quản lý xí nghiệp, phải cải tiến công tác thanh toán không dùng tiền mặt. Nội dung cải tiến công tác thanh toán trong chỉ thị này áp dụng đối với các xí nghiệp thí điểm cải tiến quản lý của trung ương và của các Bộ, Tổng cục, và các đơn vị mua, bán có liên quan với các xí nghiệp cải tiến quản lý.

Việc cải tiến công tác thanh toán nhằm đạt các yêu cầu sau đây:

- Vận dụng đúng đắn các thể thức thanh toán bằng chuyển khoản để giải quyết nhanh chóng các quá trình thanh toán với hao phí ít nhất cho nền kinh tế quốc dân, phục vụ tốt quá trình sản xuất liên tục của xí nghiệp và toàn xã hội, thúc đẩy tốc độ luân chuyển vốn, tăng cường kỷ luật hợp đồng kinh tế và củng cố chế độ hạch toán kinh tế, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tổ chức kinh tế, cả bên mua và bên bán.

- Nâng cao trách nhiệm và tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa của các thủ trưởng xí nghiệp, đề cao tinh thần tự chủ kinh doanh và sự quan tâm đầy đủ của các xí nghiệp đối với việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, nhất là chỉ tiêu giá trị sản lượng hàng hóa thực hiện, đối với việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế, kỷ luật thanh toán, chế độ hạch toán kinh tế và xóa bỏ tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau, gây khó khăn dây chuyền về tài chính trong nền kinh tế quốc dân.

- Nâng cao trách nhiệm và quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện công tác thanh toán và trong việc kiểm soát bằng đồng tiền các hoạt động kinh tế, thông qua công tác thanh toán; phát huy đầy đủ vai trò trung tâm thanh toán của Ngân hàng Nhà nước trong nền kinh tế quốc dân.

I. NGUYÊN TẮC THANH TOÁN

1. Tất cả các tổ chức kinh tế, các đơn vị thuộc Ngân sách Nhà nước cấp phát và các tổ chức khác phải mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước, thực hiện các quan hệ thanh toán với nhau qua Ngân hàng Nhà nước bằng chuyển khoản, trừ những khoản được thanh toán bằng tiền mặt theo chế độ quản lý tiền mặt của Nhà nước.

2. Việc thanh toán là trách nhiệm của bên mua và bên bán. Hai bên mua, bán phải ký kết hợp đồng kinh tế cụ thể, hợp lệ và phải thanh toán theo đúng các điều đã ký kết trong hợp đồng kinh tế, dùng các nguyên tắc và thể thức thanh toán đã được Nhà nước quy định. Bên bán, sau khi chuyển giao hàng hóa hay hoàn thành cung ứng lao vụ, phải đòi tiền kịp thời. Bên mua phải trả tiền sòng phẳng và đúng thời hạn quy định theo các thể thức thanh toán. Mọi trường hợp chậm đòi tiền, hoặc chậm trả tiền đều là vi phạm kỷ luật thanh toán.

3. Cấm chi việc ứng trước, nhận tiền ứng trước (trừ trường hợp đặc biệt được Ngân hàng đồng ý), mua chịu, bán chịu, cho thuê mượn tài khoản giữa các đơn vị kinh tế, cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội. Ngân hàng Nhà nước phải kiểm tra để ngăn ngừa và áp dụng kỷ luật nghiêm ngặt đối với những vi phạm trên.

4. Ngân hàng Nhà nước làm nhiệm vụ trung tâm thanh toán trong nền kinh tế quốc dân phải tổ chức tốt việc thực hiện công tác thanh toán giữa các xí nghiệp, cơ quan, đơn vị bộ đội, hợp tác xã, thực hiện các nghiệp vụ thanh toán chính xác, kịp thời. Mọi sai sót, chậm trễ của cơ quan Ngân hàng Nhà nước gây thiệt hại về tài chính cho các đơn vị mua, bán đều phải chịu phạt để trả cho các đơn vị thiệt hại. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước được quyền áp dụng các hình thức phạt đối với các đơn vị mua, bán vi phạm, kỷ luật thanh toán.

5. Việc trích tài khoản phải có sự đồng ý của chủ tài khoản; trong trường hợp chủ tài khoản vi phạm kỷ luật hợp đồng kinh tế, có quyết định xử lý của Hội đồng trọng tài, và vi phạm kỷ luật thanh toán thì Ngân hàng Nhà nước được quyền trích tài khoản để trả cho bên được hưởng.

Đơn vị trả có trách nhiệm chuẩn bị đủ tiền trên tài khoản tiền gửi để trả cho đơn vị bán đúng kỳ hạn; nếu tài khoản tiền gửi không có đủ tiền thì phải xin vay Ngân hàng để trả (nếu thuộc đối tượng cho vay của Ngân hàng). Khi trên tài khoản tiền gửi không đủ để thỏa mãn cùng một lúc các yêu cầu chi trả, Ngân hàng sẽ giải quyết theo trật tự trước, sau, sau đây:

Thứ nhất: Trả lương và phụ cấp hoặc trợ cấp khác cho công nhân viên chức;

Thứ hai: Nộp thu quốc doanh, thuế, lợi nhuận;

Thứ ba: Các khoản chi trả tiền hàng và lao vụ;

Thứ tư: Trả nợ vay Ngân hàng;

Thứ năm: Nộp khấu hao cơ bản, khấu hao sửa chữa lớn và các khoản khác.

II. CÁC THỂ THỨC THANH TOÁN

Có bốn thể thức thanh toán bằng chuyển khoản: ủy nhiệm chi, giấy nhờ thu (thể thức thanh toán chấp nhận), séc và thư tín dụng.

Việc lựa chọn thể thức thanh toán do hai bên mua, bán thỏa thuận ghi trong hợp đồng kinh tế, phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh tế và điều kiện giao nhận vật tư hàng hóa.

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị mua, bán, vận dụng tốt nhất các thể thức thanh toán. Trường hợp các đơn vị mua, bán vi phạm các nguyên tắc, thể lệ thanh toán của Nhà nước, hoặc có sự tranh chấp không thể thỏa thuận được về việc sử dụng thể thức thanh toán giữa hai bên mua, bán thì do Ngân hàng xác định thể thức thanh toán thích hợp để hai bên mua và bán áp dụng.

Để nâng cao tính tự chủ kinh doanh của xí nghiệp, đơn giản thủ tục thanh toán giữa các xí nghiệp, tiết kiệm phí lưu thông xã hội, tác động tốt đến việc cung cấp hàng hóa và cung ứng lao vụ đúng chất lượng, đúng mặt hàng và đúng thời hạn, giảm bớt tình trạng mắc mứu, khiếu nại trong quá trình thanh toán, cần tích cực mở rộng dần việc thanh toán bằng thể thức ủy nhiệm chi, bảo đảm cho bên mua được kiểm tra hàng hóa, lao vụ đúng số lượng, chất lượng trước khi trả tiền. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần cải tiến thể thức thanh toán bằng giấy nhờ thu cho chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi cả bên mua và bên bán; cải tiến thể thức thanh toán bằng séc; áp dụng đúng đắn thể thức thanh toán bằng thư tín dụng; mở rộng cách thanh toán theo kế hoạch; từng bước áp dụng cách thanh toán bù trừ giữa các đơn vị kinh tế; áp dụng cách thanh toán theo tài khoản đặc biệt trong những trường hợp cần thiết.

1. Thanh toán bằng ủy nhiệm chi:

Thể thức ủy nhiệm chi được dùng trong việc thanh toán giữa 2 đơn vị mua, bán cùng địa phương hoặc khác địa phương để trả tiền hàng và lao vụ sau khi bên mua kiểm tra số lượng, chất lượng hàng hóa hoặc lao vụ. Thể thức ủy nhiệm chi cũng được dùng để thanh toán tiền hàng và lao vụ theo kế hoạch, nộp các khoản cho ngân sách, trả nợ Ngân hàng, trả tiền phạt và các khoản chi trả khác.

Trong thanh toán tiền hàng và lao vụ, sau khi kiểm tra hàng đã nhận và lao vụ đã cung ứng, bên mua phải lập ủy nhiệm chi kịp thời để trả tiền theo đúng kỳ hạn quy định. Thể thức ủy nhiệm chi không áp dụng đối với bên mua thường xuyên vi phạm kỷ luật chi trả, không được dùng để ứng trước tiền hàng và trả trước tiền mua lao vụ chưa được cung ứng.

Khi áp dụng thể thức ủy nhiệm chi, bên bán sẽ được Ngân hàng xét cho vay về hàng hóa đã gửi đi và lao vụ đã cung ứng trong thời hạn chờ thu tiền. Thời hạn chuyển chứng từ sẽ do các cơ quan liên quan có trách nhiệm quy định. Sau khi đã gửi hàng đi, người bán phải đưa chứng từ đến Ngân hàng xin vay. Nếu quá hạn quy định mà người bán không đưa chứng từ đến thì Ngân hàng không cho vay. Trường hợp xí nghiệp thiếu vốn để hoạt động thì Ngân hàng sẽ cho vay ngoài kế hoạch.

2. Thể thức thanh toán chấp nhận:

Thể thức thanh toán chấp nhận được áp dụng trong việc thanh toán tiền hàng người bán đã gửi đi cho người mua, và đòi người mua phải trả, trong điều kiện các đơn vị kinh tế sản xuất ổn định, giao dịch với nhau thường xuyên, tín nhiệm lẫn nhau, có hợp đồng kinh tế.

Không được áp dụng thể thức chấp nhận đối với các khoản chi trả không phải là vật tư hàng hóa, lao vụ, các khoản trả tiền vật tư hàng hóa giữa bên bán là tổ chức kinh tế với bên mua là tổ chức hành chính sự nghiệp, các khoản thanh toán tiền vật tư hàng hóa, lao vụ giữa bên bán là tổ chức kinh tế với bên mua là các đơn vị xây dựng cơ bản có tài khoản tại Ngân hàng kiến thiết, nếu hợp đồng kinh tế mua bán không được Ngân hàng kiến thiết đăng ký và bảo đảm vốn thanh toán.

Bên bán phải lập và nộp giấy nhờ thu (trong đó có ghi rõ số hợp đồng kinh tế), kèm theo hóa đơn, vận đơn và các chứng từ cần thiết khác vào Ngân hàng trong thời hạn quy định.

Bên mua phải chấp nhận thanh toán theo chứng từ, không chờ nhận được hàng hóa rồi mới thanh toán. Trường hợp bên bán nhiều lần vi phạm hợp đồng kinh tế như gửi hàng không đúng số lượng, chất lượng mặt hàng thì bên mua (sau khi báo cho bên bán và ngân hàng) có quyền yêu cầu chuyển sang thanh toán bằng ủy nhiệm chi.

Có hai cách chấp nhận: chấp nhận trước khi trả tiền và chấp nhận sau khi trả tiền. Ngoài ra còn có giấy nhờ thu không cần chấp nhận, áp dụng trong trường hợp đã tín nhiệm nhau không cần kiểm tra hoặc chưa có điều kiện kiểm tra số lượng, chất lượng hàng hóa, lao vụ, như trong việc trả tiền điện, nước, điện thoại v.v…

Trong điều kiện hiện nay, để đề cao trách nhiệm và bảo đảm quyền lợi của hai bên mua, bán, hạn chế việc khiếu nại qua lại giữa hai bên mua, bán, cần phải áp dụng chủ yếu cách chấp nhận trước khi trả tiền.

Bên bán sau khi nộp giấy nhờ thu vào cơ quan Ngân hàng theo thời hạn quy định, có thể được Ngân hàng cho vay căn cứ vào giấy tờ thanh toán trên đường đi.

3. Thanh toán bằng séc:

Bên mua được dùng séc thanh toán để trả tiền ngay sau khi nhận hàng hóa hay khi được cung ứng lao vụ cho bên bán và bên cung ứng có tài khoản ở Ngân hàng.

Séc thanh toán không dùng để rút tiền mặt.

Chủ tài khoản chỉ được phát hành séc trong phạm vi số dư tài khoản tiền gửi của mình tại Ngân hàng hay trong trường hợp được Ngân hàng cho vay. Chủ tài khoản phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc sử dụng séc không đúng quy định, về những hậu quả do mất séc, do bị lợi dụng, tham ô hoặc do sự lạm dụng của những người được ủy quyền ký séc.

Séc thanh toán chỉ có hiệu lực trong thời hạn quy định.

4. Thanh toán bằng thư tín dụng:

Thư tín dụng được áp dụng trong việc thanh toán giữa các đơn vị ở khác địa phương trong trường hợp hai bên mua, bán không thường xuyên, thường mua từng lần một, không có hợp đồng kinh tế hoặc tuy có mua bán thường xuyên, có hợp đồng kinh tế nhưng bên mua thường vi phạm kỷ luật thanh toán.

Bên mua phải trích từ tài khoản tiền gửi thanh toán của mình tại Ngân hàng (hoặc xin vay Ngân hàng) để mở tài khoản tiền gửi thư tín dụng.

Bên bán sau khi chuyển hàng hóa cho bên mua, xuất trình các chứng từ hợp lệ chứng minh đã thực hiện đầy đủ các điều kiện của thư tín dụng cho ngân hàng phục vụ mình để kiểm soát trước khi nhận tiền.

Trong quá trình vận dụng các thể thức thanh toán nói trên, tùy đặc điểm giao dịch và tính chất các khoản thanh toán, có thể tổ chức thực hiện thanh toán theo kế hoạch, thanh toán theo lối bù trừ hoặc thanh toán theo tài khoản đặc biệt.

III. CÁC HÌNH THỨC PHẠT VỀ VI PHẠM THỂ LỆ THANH TOÁN.

Đối với các đơn vị mua, bán:

1. Ngân hàng Nhà nước được quyền từ chối cho vay và không chịu trách nhiệm về việc chậm trả tiền của bên mua, nếu các đơn vị kinh tế giao dịch mua bán không có hợp đồng kinh tế cụ thể hợp lệ. Trường hợp xí nghiệp yêu cầu vay vốn thì Ngân hàng xét cho vay ngoài kế hoạch.

2. Các đơn vị mua, bán chiếm dụng vốn bất hợp pháp hoặc ứng trước tiền hàng trái nguyên tắc quy định của thể lệ thanh toán khi phát hiện được đều bị phạt 1% trên số tiền chiếm dụng bất hợp pháp và ứng trước tiền hàng. Khoản tiền phạt này sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước. Đơn vị chiếm dụng phải hoàn trả kịp thời số tiền chiếm dụng cho đơn vị bị chiếm dụng; trong thời gian chưa hoàn trả được thì Ngân hàng phải tạm giữ số tiền đó lại, không cho đơn vị chiếm dụng sử dụng. Quá thời hạn 3 tháng mà hai bên vẫn không thanh toán được với nhau, thì Ngân hàng trích nộp vào ngân sách Nhà nước (nếu là nguồn tiền của cơ quan hành chính sự nghiệp), hoặc trích chuyển lại cho Ngân hàng nơi có đơn vị bị chiếm dụng hoặc ứng trước để thu hồi nợ vay Ngân hàng hoặc hoàn lại tài khoản tiền gửi của họ (nếu là nguồn vốn của đơn vị kinh tế).

3. Khi áp dụng thể thức ủy nhiệm chi để thanh toán tiền hàng hóa đã nhận và lao vụ đã cung ứng, nếu quá thời hạn quy định trả tiền, bên mua bị phạt 0,025% (hai phần rưỡi vạn) một ngày trên số tiền chậm trả để trả cho bên bán. Nếu bên mua thường vi phạm kỷ luật chi trả thì bên bán có quyền bắt buộc bên mua phải thanh toán theo hình thức séc hoặc thư tín dụng.

4. Khi áp dụng thể thức thanh toán chấp nhận, Ngân hàng Nhà nước được quyền thực hiện các hình thức kỷ luật đối với các bên mua, bán vi phạm nguyên tắc và thủ tục thanh toán như sau:

a)  Không cho đơn vị bán vay căn cứ vào giấy tờ thanh toán trên đường đi, nếu giấy nhờ thu lập và nộp vào Ngân hàng quá thời hạn quy định. Nếu xí nghiệp không được vay về giấy tờ thanh toán trên đường đi mà thiếu vốn hoạt động, Ngân hàng xét cho vay ngoài kế hoạch.

b) Phạt bên bán bằng 5% (năm phần trăm) trên số tiền của giấy nhờ thu không có hàng hóa (giấy nhờ thu đòi tiền khống); số tiền phạt này sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước. Trường hợp tái phạm nhiều lần thì Ngân hàng truy tố trước tòa án.

c) Nếu người bán thường xuyên vị phạm các điều khoản trong hợp đồng về số lượng, chất lượng và mặt hàng gửi cho người mua thì người mua có quyền đòi thanh toán bằng ủy nhiệm chi.

d) Nếu bên mua đã trả tiền cho bên bán nhưng khi kiểm tra lại giấy tờ hoặc hàng hóa thấy sai sót, có lập biên bản hợp lệ gửi đến Ngân hàng bên bán thì Ngân hàng có quyền trích ngay tài khoản của bên bán để trả lại cho bên mua.

e) Phạt bên mua chậm trả theo tỷ lệ 0,025% (hai phần rưỡi vạn) một ngày trên số tiền chậm trả để trả cho bên bán.

g) Nếu bên mua dùng hóa đơn khống để vay hoặc rút tiền trả cho bên bán hoặc sử dụng vào mục đích khác thì phải chịu phạt 5% (năm phần trăm) số tiền trên hóa đơn để nộp vào ngân sách Nhà nước. Nếu tái phạm nhiều lần sẽ bị truy tố trước tòa án.

h) Nếu bên mua thanh toán chậm trễ nhiều lần thì bên bán có quyền bắt bên mua thanh toán bằng thư tín dụng hoặc bằng séc.

i) Khi từ chối thanh toán, bên mua có trách nhiệm bảo quản hàng hóa, không được sử dụng. Nếu bên mua sử dụng hàng hóa đó thì phải trả tiền hàng. Trong trường hợp bên mua từ chối sai hoặc khiếu nại không đúng về việc đòi lại tiền đã trả cho bên bán thì bị phạt 5% (năm phần trăm) trên số tiền đó để trả cho bên bán. Ngoài ra nếu chậm trễ sẽ bị phạt chậm trả.

5. Khi áp dụng thể thức thanh toán bằng séc, đơn vị phát hành séc quá số dư tài khoản tiền gửi bị phạt 2% (hai phần trăm) trên số tiền của tờ séc phát hành quá số dư và mức phạt tối thiểu là 10đ đối với mỗi lần vi phạm. Khoản tiền phạt này sẽ trả cho bên bán. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, Ngân hàng có thể đình chỉ sử dụng séc, chuyển sang thể thức thanh toán khác hoặc có thể truy tố trước tòa án.

Ngân hàng quyết định đình chỉ sử dụng séc đối với các đơn vị phát hành séc để ứng trước, trả trước tiền đặt hàng hoặc ký khống chi trên các tờ séc.

6. Khi áp dụng cách thanh toán theo kế hoạch hoặc theo lối bù trừ, đến cuối kỳ điều chỉnh, hai bên phải thanh toán sòng phẳng hoặc thỏa thuận chuyển số chênh lệch đó vào định kỳ sau. Nếu bên nào thanh toán chậm thì Ngân hàng phạt 0,025% (hai phần vạn rưỡi) một ngày trên số tiền chậm trả để trả cho bên bị thiệt.

7. Đối với các khoản nợ nần cũ từ trước để lại thì các đơn vị kinh tế phải xác nhận chậm nhất trong 3 tháng. Trong phạm vi 10 ngày, kể từ ngày xác nhận xong, đơn vị mắc nợ phải trả tiền, nếu chậm trả sẽ bị phạt 0,025% (hai phần rưỡi vạn) mỗi ngày trên số tiền chậm trả để trả cho bên chủ nợ.

Tất cả các khoản tiền phạt nói trên đều phải trừ vào lợi nhuận để lại cho xí nghiệp.

Đối với Ngân hàng Nhà nước:

Mọi sai sót, chậm trễ trong nghiệp vụ thanh toán do Ngân hàng gây ra, Ngân hàng phải chịu phạt 0,2% (hai phần nghìn) một tháng trên số tiền và thời gian chậm trễ để trả cho đơn vị bị thiệt hại.

Đối với Tổng cục Bưu điện:

Mọi sai sót, chậm trễ trong việc chuyển chứng từ thanh toán do cơ quan bưu điện gây ra, cơ quan bưu điện phải hoàn lại cước phí cho cơ quan gửi, đồng thời phải thi hành kỷ luật thích đáng đối với nhân viên phạm lỗi kể cả cán bộ phụ trách trực tiếp.

IV. VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC XÍ NGHIỆP, TỔ CHỨC KINH TẾ VÀ CỦA MỘT SỐ NGÀNH TRONG VIỆC THỰC HIỆN CÔNG TÁC THANH TOÁN

Các xí nghiệp và tổ chức kinh tế phải:

- Ký kết hợp đồng kinh tế với nội dung thật cụ thể, xác định rõ thể thức thanh toán, và phải chấp hành nghiêm chỉnh hợp đồng kinh tế đã ký kết. Trường hợp không ký được hợp đồng kinh tế, phải báo cáo lên cơ quan chủ quản giải quyết và thông báo cho Ngân hàng biết.

- Cải tiến tổ chức giao nhận hàng hóa, bảo đảm giao nhận nhanh, đúng, đủ. Cần bảo đảm các phương tiện cân, đo, đong, đếm, tổ chức đóng gói, tạo thuận lợi cho việc giao nhận. Ở những nơi có giao nhận thường xuyên với khối lượng hàng nhiều, phải tổ chức tốt việc bốc xếp.

- Cải tiến khâu hạch toán, lập hóa đơn và chứng từ thanh toán chính xác, kịp thời. Hóa đơn phải lập cùng một lúc với việc giao nhận hàng, phản ánh đúng thực tế hàng hóa giao chuyển. Chấm dứt mọi trường hợp bên bán buộc bên mua ký nhận hàng trước khi thực sự giao nhận hàng. Chấm dứt mọi tình trạng chiếm dụng vốn bất hợp pháp và ứng trước tiền hàng.

- Gấp rút thanh toán xong nợ nần dây dưa cũ, ngăn ngừa nợ nần mới phát sinh. Phải tổ chức đối chiếu xác nhận các khoản nợ lâu ngày chưa rõ ràng, lập biên bản xác nhận được nợ hoặc đơn vị mắc nợ không có khả năng trả thì báo cáo lên cơ quan chủ quan giải quyết.

Các cơ quan cung ứng vật tư phải:

- Bảo đảm cung ứng vật tư đều đặn tại nơi đã quy định cho các xí nghiệp và tổ chức kinh tế. Tổ chức tiếp nhận những loại vật tư đang dự trữ quá mức mà xí nghiệp và tổ chức kinh tế cần chuyển giao lại cho các cơ quan cung ứng vật tư dự trữ.

Các Bộ, các ngành, cơ quan quản lý chủ quản phải:

- Cùng với cơ quan có trách nhiệm và xí nghiệp kịp thời định mức dự trữ vật tư và định mức vốn lưu động, cùng cơ quan tài chính giải quyết vốn lưu động cần thiết cho xí nghiệp.

- Giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kịp thời cho xí nghiệp đi đôi với kế hoạch cung cấp vật tư, kế hoạch tiêu thụ; thiết thực giúp xí nghiệp giải quyết khó khăn, mắc mứu trong việc thực hiện kế hoạch, chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế và thanh toán.

- Cùng với Ngân hàng Nhà nước tổ chức phổ biến, hướng dẫn thi hành thể lệ thanh toán.

- Cùng với Ngân hàng Nhà nước chủ động tổ chức các đợt thanh toán nợ nần trong nội bộ từng ngành.

Ngân hàng Nhà nước phải:

Cải tiến thủ tục thanh toán cho đơn giản và chặt chẽ.

- Tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ thanh toán và tác động tích cực đến các ngành, các xí nghiệp, tổ chức kinh tế, thực hiện tốt công tác thanh toán.

- Cải tiến tổ chức bộ máy thực hiện công tác thanh toán ở các cấp ngân hàng, cải tiến việc hạch toán và tổ chức luân chuyển chứng từ trong nội bộ ngân hàng, bảo đảm thực hiện nghiệp vụ thanh toán chính xác và kịp thời.

- Quy định lại thời gian luân chuyển chứng từ và thanh toán. Trong khi chờ đợi, cần phải chấp hành thời gian thanh toán như hiện nay và có bổ sung cần thiết.

- Cải tiến gấp công tác tín dụng trong mối liên quan chặt chẽ với công tác thanh toán, để kết hợp và thúc đẩy công tác thanh toán.

- Đi sâu vào hoạt động kinh tế và tài chính của xí nghiệp, tổ chức kinh tế, nắm tình hình sử dụng vốn sai mục đích, nợ nần dây dưa, chiếm dụng vốn, các vướng mắc trong thanh toán để góp phần khắc phục; kịp thời áp dụng các hình thức phạt đối với các đơn vị vi phạm kỷ luật thanh toán.

Căn cứ chỉ thị này, Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn chi tiết về công tác thanh toán áp dụng đối với Ngân hàng kiến thiết.

Bộ Tài chính và các cơ quan tài chính địa phương phải:

Bảo đảm cấp phát vốn lưu động định mức và các loại vốn cần thiết khác kịp thời cho các ngành, các xí nghiệp và tổ chức kinh tế.

Tổng cục Bưu điện phải:

Bảo đảm ưu tiên việc chuyển chứng từ thanh toán nhanh chóng; quy định việc ký giao nhận và đóng dấu ngày, giờ đi, đến trên các phong bì; xác định biểu thời hạn chuyển chứng từ qua bưu điện giữa các địa phương và trong từng địa phương; tổ chức điều tra kịp thời các khiếu nại của các đơn vị về việc chậm trễ, sai lạc chứng từ để xác minh trách nhiệm.

Hội đồng trọng tài kinh tế phải:

Chỉ đạo thực hiện công tác hợp đồng kinh tế trong ngành, các xí nghiệp và tổ chức kinh tế, phát hiện và tổ chức xử lý kịp thời, nghiêm chỉnh các vi phạm hợp đồng kinh tế.

Chỉ thị này được thi hành kể từ ngày ban hành.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm giải thích chỉ thị này, quy định các chi tiết cần thiết và tổ chức hướng dẫn việc chấp hành.

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

Văn bản gốc
(Không có nội dung)
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Văn bản tiếng Anh
(Không có nội dung)
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
LawNet .vn
Không có nội dung
  • Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Hiệu lực: {{m.News_EffectDate_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
    Ban hành: {{m.News_Dates_Date}}
    Tình trạng: {{m.TinhTrang}}
    Cập nhật: {{m.Email_SendDate_Date}}
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
{{VBModel.Document.News_Subject}}
LawNet .vn
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của Văn bản. Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản Liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...

Nếu chưa có Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Đăng nhập
Tra cứu nhanh
Từ khóa
Bài viết Liên quan Văn bản