Áp dụng án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự

Áp dụng án lệ được xem là phương thức hiệu quả góp phần nâng cao năng lực của Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại, đặc biệt là những tranh chấp có yếu tố nước ngoài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Hội đồng thấm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Theo đó, sử dụng án lệ như là một phương thức mới của Tòa án trong việc áp dụng thống nhất pháp luật khi xét xử. Dựa trên quy trình lựa chọn cùng với sự góp ý tích cực của Hội đồng tư vấn án lệ và các nhà khoa học pháp lý, các Thẩm phán trực tiếp xét xử, TANDTC đã ban hành Quyết định 220/QĐ-CA công bố 6 án lệ đầu tiên của Việt Nam vào ngày 06/4/2016. Có thể xem đây là một dấu mốc quan trọng của tiến trình cải cách tư pháp.

 

 

Án lệ có tính thực tiễn cao vì nó tập trung vào việc giải quyết vấn đề cụ thể của đời sống chứ không phải giải quyết vấn đề bằng các lý thuyết chung chung trừu tượng. Đồng thời, án lệ khắc phục những lỗ hổng pháp luật một cách nhanh chóng và kịp thời trong khi các quy phạm trong các văn bản pháp luật mang tính ổn định, có một số quan hệ xã hội mới phát sinh mà pháp luật chưa dự liệu được do đó chưa thể giải quyết thì án lệ có thể giải quyết các trường hợp này một cách nhanh chóng.

Án lệ được hiểu là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Cụ thể: 

Thứ nhất, án lệ là những lập luận làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau. Trên thực tế, không thiếu trường hợp cùng về một vấn đề nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau . Do đó, việc đưa ra một cách hiểu chung, thống nhất cho một vấn đề pháp lý cụ thể trong vụ việc dân sự không phải điều dễ dàng. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà Thẩm phán, Hội đồng xét xử sẽ phân tích, đưa ra lập luận, lý giải quy định còn có cách hiểu khác nhau hoặc giải thích lý do lựa chọn, áp dụng một hoặc một số điều luật từ đó đưa ra phương hướng giải quyết vụ việc dân sự. 

Thứ hai, án lệ là phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý làm cơ sở cho Tòa án chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng. Theo đó, Tòa án tập quán, quy định tương tự của pháp luật để đưa ra phán quyết trong bản án, quyết định. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định cách thức giải quyết như sau:

  • Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán;
  • Trường hợp không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự; trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng.

Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tòa án áp dụng theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự để giải quyết vụ việc dân sự.

Như vậy, án lệ được xác lập nhằm bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật trong trường hợp nội dung văn bản quy phạm pháp luật cần áp dụng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra và khi có những vụ việc dân sự mà vấn đề pháp lý cần được giải quyết chưa được pháp luật quy định hoặc các bên đương sự không có thỏa thuận.

Để áp dụng được án lệ, thì vụ việc dân sự cần đáp ứng được điều kiện: 

  • Có sự tương đồng hoặc tương tự về các tình tiết khách quan cơ bản của vụ việc dân sự đang giải quyết với các tình tiết khách quan cơ bản của vụ việc dân sự trong bản án, quyết định có chứa đựng án lệ; 
  • Vấn đề pháp lý cần được giải quyết trong vụ việc dân sự mà Tòa án đã thụ lý cũng tương đồng hoặc tương tự như vấn đề pháp lý đã được giải quyết bằng án lệ.

 

Việc áp dụng án lệ cần phải đáp ứng các nguyên tắc theo điều 8 Nghị quyết 03. 18 bản án, quyết định được lựa chọn gồm: 8 bản án dân sự; 5 bản án hình sự; 4 bản án thương mại và 1 bản án hành chính để phát triển thành án lệ theo Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ: 

STT

Nguồn án lệ

1

Quyết định giám đốc thẩm số 28/2011/DS-GĐT ngày 18-8-2011 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sở hữu nhà, đất”.

2

Quyết định giám đốc thẩm số 03/2014/DS-GĐT ngày 09/01/2014 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất".

3

Quyết định giám đốc thẩm số 12/2012/DS-GĐT ngày 13/01/2012  của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án dân sự “Đòi tài sản”

4

Quyết định giám đốc thẩm số 52/2014/DS-GĐT ngày 21/11/2014 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án "Tranh chấp thừa kế tài sản".

5

Quyết định giám đốc thẩm số 126/2013/DS-GĐT ngày 23/9/2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng nhà”.

6

Quyết định giám đốc thẩm số 28/2011/DS-GĐT ngày 18-8-2011 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sở hữu nhà, đất”.

7

Quyết định giám đốc thẩm số 83/2013/DS-GĐT ngày 08/7/2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án dân sự “Tranh chấp về thừa kế tài sản”.

8

Quyết định giám đốc thẩm số 26/2013/DS-GĐT ngày 22/4/2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án dân sự “Tranh chấp di sản thừa kế”.

9

Bản án hình sự phúc thẩm số 03/2014/HSPT1 ngày 12/6/2014 của Tòa án Quân sự Trung ương về vụ án Lưu Thị Hồng, Trương Văn Doãn phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

10

Quyết định giám đốc thẩm số 23/2015/HS-GĐT ngày 17/12/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án hình sự đối với Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Đông, Phan Bá Cường về "Tội giết người".

11

Quyết định giám đốc thẩm số 06/2016/HS-GĐT ngày 16/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án hình sự đối với Trịnh Văn Thanh về tội "Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai".

12

Quyết định giám đốc thẩm số 29/2010/HS-GĐT ngày 01/11/2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án hình sự đối với Lê Thị Lan Anh về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

13

Bản án hình sự phúc thẩm số 01/2015/HSPT1 ngày 14/01/2015 của Tòa án Quân sự Trung ương về vụ án Nguyễn Văn Anh và các đồng phạm phạm tội "Cướp giật tài sản".

14

Quyết định giám đốc thẩm số 12/2013/KDTM-GĐT ngày 16/5/2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án "Tranh chấp hợp đồng tín dụng".

15

Quyết định giám đốc thẩm số 02/KDTM-GĐT ngày 09/01/2014 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án "Tranh chấp hợp đồng tín dụng".

16

Quyết định giám đốc thẩm số 07/2013/KDTM-GĐT ngày 15/3/2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án "Tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa".

17

Quyết định giám đốc thẩm số 10/2016/KDTM-GĐT ngày 20/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án "Tranh chấp hợp đồng tín dụng".

18

Quyết định giám đốc thẩm số 08/2014/HC-GĐT ngày 19/8/2014 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án hành chính "Khiếu kiện Quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất".

 

Vào ngày 22/9/2016, Hội đồng Tư vấn Án lệ đã tổ chức phiên họp để xem xét các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án dự kiến đề xuất phát triển thành án lệ và các dự thảo án lệ. Theo đó, Vụ pháp chế và quản lý khoa học tiếp thu, tổng hợp, giải trình từng vấn đề liên quan đến các dự thảo án lệ để dự kiến trình Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua vào đầu tháng 10/2016.

5341 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;