Nghị quyết 03/2015 hướng dẫn áp dụng án lệ vào thực tiễn xét xử

Án lệ giờ đây không chỉ là chủ để nghiên cứu, bàn luận của các nhà luật học nữa mà đã trở thành công cụ, cách thức áp dụng trong hoạt động xét xử ở nước ta. Sau 02 lần Tòa án nhân dân tối cao ký Quyết định và thông qua thì hiện nay đã có 10 án lệ được công bố và có thể đưa vào áp dụng ở thực tiễn. Việc áp dụng án lệ trong quá trình giải quyết vụ việc là đã, đang và sẽ là bước tiến mới trong quá trình cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

 

Ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ nhằm cụ thể hóa quy định Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 về sử dụng án lệ như là một phương thức mới của Tòa án trong việc áp dụng thống nhất pháp luật khi xét xử. Do đó, các giai đoạn cũng như quy trình để lựa chọn, công bố án lệ là những vấn đề cần được chú trọng, quan tâm nhất.

Để việc xét xử tuân thủ đúng quy định thì việc lựa chọn án lệ để áp dụng không nằm ngoài các tiêu chí sau:

  1. Chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể;
  2. Có tính chuẩn mực;
  3. Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.

Những tiêu chí này phần nào đã cụ thể hóa khái niệm án lệ được nêu tại Điều 1 Nghị quyết 03/2015.

Án lệ là những lập luận làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau. Đây chính là ưu điểm của việc áp dụng án lệ, bởi trong một số trường hợp những quy định nêu tại các văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết vụ việc trong thực tiễn xét xử (khi thì thiếu, khi thì chưa cụ thể, chi tiết hoặc khi thì chồng chéo mẫu thuẫn giữa các văn bản) thì án lệ sẽ bù đắp khoảng trống đó.

Tùy từng trường hợp mà Thẩm phán và Hội đồng xét xử sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp để đưa ra lập luận, lý giải về nội dung, phạm vi, đối tượng áp dụng của quy định còn có cách hiểu khác nhau hoặc luận giải về lý do lựa chọn, áp dụng một hoặc một số điều luật cụ thể để đưa ra phán quyết giải quyết vụ việc dân sự. Trong trường hợp bản án, quyết định đó được lựa chọn, thông qua để phát triển án lệ, thì những lập luận, lý giải nêu trên chính là án lệ.

 

Quy trình thông qua án lệ không đơn giản là việc lựa chọn án lệ dựa vào các tiêu chí đã nêu mà cần phải qua nhiều giai đoạn từ khâu rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ cho đến việc lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ; được Hội đồng tư vấn án lệ tổ chức phiên họp thảo luận; cho ý kiến về các nội dung của bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ sau đó án lệ mới được thông qua và công bố. Việc công bố án lệ phải đảm bảo các nội dung sau:

  • Tên của vụ việc được Toà án giải quyết;
  • Số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ;
  • Từ khoá về những vấn đề pháp lý được giải quyết trong án lệ;
  • Các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Toà án có liên quan đến án lệ;
  • Vấn đề pháp lý có giá trị hướng dẫn xét xử được giải quyết trong án lệ.

Theo Nghị quyết 03/2015, việc áp dụng án lệ trong xét xử phải tuân thủ nguyên tắc:

  • Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
  • Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau. Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án; trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án.
  • Trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ và án lệ này đương nhiên bị hủy bỏ.
  • Trường hợp do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ, đồng thời phải kiến nghị ngay với Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để xem xét hủy bỏ án lệ. 
4371 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;