Chính sách Lao động, Y tế có hiệu lực từ giữa tháng 01/2019

Từ giữa tháng 01/2019 (từ ngày 15/01 - 31/01/2019) nhiều chính sách về Lao động, Y tế chính thức có hiệu lực áp dụng, Thư Ký Luật trân trọng giới thiệu một số Nghị định, Thông tư nổi bật như sau:

 

  1. Tuyển dụng công chức, viên chức không phân biệt văn bằng, trường đào tạo

Đây là nội dung mới được bổ sung tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung quy định tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể, Nghị định 161 bổ sung điều kiện đăng ký dự tuyển công chức (tại Điều 4 của Nghị định 24/2010/NĐ-CP) và viên chức (tại Điều 4 của Nghị định 29/2012/NĐ-CP) với nội dung như sau:

  • Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức: Thực hiện theo khoản 1 Điều 36 Luật cán bộ, công chức. Cơ quan sử dụng công chức xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển tại điểm g khoản 1 Điều 36 Luật cán bộ, công chức nhưng không được trái với quy định pháp luật, không phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập...;
  • Điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức: Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được bổ sung các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm quy định tại điểm g khoản 1 Điều 22 Luật viên chức nhưng không trái với quy định pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập.

Nghị định 161/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2019.

  1. Tăng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT

Thông tư 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp.

Theo đó, thực hiện tăng giá dịch vụ khám bệnh BHYT từ ngày 15/12/2018 tại các cơ sở y tế (bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương), cụ thể:

  • Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: 37.000 đồng/lượt (hiện nay là 33.100 đồng);
  • Bệnh viện hạng II: 33.000 đồng/lượt (hiện nay là 29.600 đồng);
  • Bệnh viện hạng III: 29.000 đồng/lượt (hiện nay là 26.200 đồng);
  • Bệnh viện hạng IV, Trạm y tế xã: 26.000 đồng/lượt (hiện nay là 23.300 đồng).

Xem thêm giá dịch vụ ngày giường bệnh tại Phụ lục đính kèm Thông tư 39/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/01/2019.

  1. Cách tính số ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh

Bộ Y tế ban hành Thông tư 37/2018/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn chi phí khám, chữa bệnh một số trường hợp.

Đáng chú ý là cách xác định ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh theo công thức sau:

- Số ngày điều trị nội trú = Ngày ra viện – Ngày vào viện +1. Áp dụng đối với các trường hợp:

  • Người bệnh nặng đang điều trị nội trú mà tình trạng bệnh chưa thuyên giảm, tử vong hoặc diễn biến nặng lên nhưng gia đình xin về hoặc chuyển viện lên tuyến trên;
  • Người bệnh đã được điều trị tại tuyến trên qua giai đoạn cấp cứu nhưng vẫn cần tiếp tục điều trị nội trú được chuyển về tuyến dưới hoặc sang cơ sở y tế khác;

- Số ngày điều trị nội trú = Ngày ra viện – Ngày vào viện. Áp dụng đối với trường hợp còn lại.

- Trường hợp người bệnh vào viện và ra viện trong cùng một ngày (hoặc vào viện ngày hôm trước, ra ngày hôm sau) có thời gian điều trị trên 04 giờ đến dưới 24 thì được tính là 01 ngày điều trị.

- Trường hợp người bệnh vào khoa cấp cứu, không qua khoa khám bệnh, có thời gian cấp cứu, điều trị từ 04 giờ trở xuống (kể cả trường hợp ra viện, vào viện hoặc chuyển viện, tử vong) được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc, vật tư y tế và các dịch vụ kỹ thuật, không thanh toán tiền ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu.

Thông tư 37/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/01/2019.

  1. Phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Bộ Y tế ban hành Thông tư 117/2018/TT-BTC sửa đổi quy định về Biểu phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm ban hành kèm theo Thông tư 279/2016/TT-BTC.

Theo đó, từ 15/01/2019 phí thẩm định điều kiện hành nghề, kinh doanh thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm được áp dụng như sau:

  • Thẩm định cơ sở sản xuất thực phẩm (trừ cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ): 500.000 đồng/ lần/ cơ sở;
  • Đối với cơ sở sản xuất khác được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: 2.500.000 đồng/ lần/ cơ sở.

Theo quy định mới, nếu tổ chức thu phí là doanh nghiệp thì số tiền phí thu được là doanh thu của tổ chức thu phí và cho phép tổ chức thu phí được giữ lại 100% số tiền phí thu được để trang trải cho việc thu phí, song phải khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định pháp luật. 

1689 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;