Chính sách quan trọng có hiệu lực từ đầu tháng 01/2020 (từ 01/01– 10/01)

Từ đầu tháng 01/2020 (từ 01/01– 10/01) sẽ có các chính sách quan trọng trong lĩnh vực lao động, tiền lương, đất đai và nông nghiệp,… có hiệu lực thi hành, các chính sách cụ thể gồm có:

1. 05 biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng

Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tác hại của rượu bia 2019. Tại đây, Luật đã nêu ra 05 biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng, cụ thể như sau:

  • Tuyên truyền, vận động các gia đình, thành viên thuộc tổ chức, cộng đồng tham gia tuyên truyền và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

  • Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa và hoạt động khác tại cộng đồng;

  • Vận động, khuyến khích quy định trong hương ước, quy ước việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư;

  • Vận động cá nhân, tổ chức không sử dụng sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm;

  • Phát hiện, phản ánh người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia để cảnh báo, phòng ngừa, xử lý hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

Xem thêm: Luật phòng chống tác hại của rượu bia 2019 có hiệu lực từ 01/01/2020.

2. Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động lên đến 240.000 đồng

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng.

Cụ thể, theo Nghị định này, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động tại các vùng từ ngày 01/01/2020 như sau:

  • Địa bàn thuộc vùng I: Tăng từ 4.180.000 đồng/tháng lên 4.420.000 đồng/tháng;

  • Địa bàn thuộc vùng II: Tăng từ 3.710.000 đồng/tháng lên 3.920.000 đồng/tháng;

  • Địa bàn thuộc vùng III: Tăng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.430.000 đồng/tháng;

  • Địa bàn thuộc vùng IV: Tăng từ 2.920.000 đồng/tháng lên 3.070.000 đồng/tháng.

Chi tiết xem tại: Nghị định 90/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2020.

3. 04 trường hợp được xem là chiếm đất kể từ 05/01/2020

Ngày 05/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thay thế Nghị định 102/2014/NĐ-CP.

Theo đó, Nghị định 91 đã chính thức ấn định rõ các trường hợp được xem là chiếm đất khi sử dụng đất, cụ thể gồm:

  • Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;

  • Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;

  • Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);

  • Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Các hành vi chiếm đất trên sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 05/01/2020.

4. Vật nuôi phải được đối xử nhân đạo kể từ ngày 01/01/2020

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Luật Chăn nuôi 2018 đã được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018.            .

Cụ thể, theo Luật này, tổ chức, cá nhân phải đối xử nhân đạo với vật nuôi trong các trường hợp sau:

  • Đối xử nhân đạo trong chăn nuôi: Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; không đánh đập, hành hạ vật nuôi.

  • Đối xử nhân đạo trong vận chuyển: Sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi.

  • Đối xử nhân đạo trong giết mổ: Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ, hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.

Xem thêm: Luật Chăn nuôi 2018 có hiệu lực từ 01/01/2020.

1264 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;