Đã được nhà nước đóng BHYT, NLĐ có phải đóng thêm BHYT tại DN?

“Tôi là người khuyết tật, đã được nhà nước trả tiền BHYT, vậy khi đi làm tôi có cần đóng bảo hiểm y tế tại nơi làm việc không? Mong nhận được tư vấn.” – Đây là câu hỏi Thư Ký Luật nhận được từ anh Hữu Tiến tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đã được nhà nước đóng BHYT, NLĐ có phải đóng thêm BHYT tại DN

Đã được nhà nước đóng BHYT, NLĐ có phải đóng thêm BHYT tại DN? (Ảnh minh hoạ)

Về vấn đề này của anh Hữu Tiến, Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin giải đáp như sau:

Theo quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì đối tượng đóng BHYT được quy định như sau:

1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:

a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);

....

3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:

....

g) Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng;

...

Theo thông tin anh cung cấp thì anh là người khuyết tật thuộc đối tượng quy định tại điểm g khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) được ngân sách nhà nước đóng BHYT. Tuy nhiên, khi anh đi làm thì anh đồng thời thuộc đối tượng tham gia BHYT tại khoản 1 là người lao động, mà BHYT là bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động. Do đó, trong trường hợp này, căn cứ khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), nếu một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Nghĩa là, anh không được miễn mà vẫn phải đóng BHYT theo đối tượng là người lao động.

Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định:

Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Theo đó, anh thuộc 02 đối tượng tham gia BHYT, thì anh sẽ được hưởng theo đối tượng có mức hưởng cao hơn. Đối với người khuyết tật thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh, còn đối với người lao động sẽ được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh. Vì vậy, khi đi khám, chữa bệnh anh sẽ được hưởng quyền lợi của BHYT do ngân sách nhà nước đóng, do có mức hưởng cao hơn.

Như vậy, đối với người được nhà nước đóng bảo hiểm y tế mà tham gia lao động tại doanh nghiệp thì vẫn phải đóng bảo hiểm y tế tại nơi làm việc và sẽ được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có mức hưởng cao hơn.

Lê Hậu

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1280 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;