Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản?

Lao động nữ phải đóng BHXH trước khi sinh bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản? Mức hưởng trợ cấp thai sản như thế nào? Đây là những câu hỏi được người lao động nữ khi sinh con đặc biệt quan tâm.

Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản

Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản? - Ảnh minh họa

Về vấn đề này, ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin giải đáp như sau:

1. Người lao động nào được hưởng chế độ thai sản?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Lao động nữ mang thai;

  • Lao động nữ sinh con;

  • Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

  • Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

  • Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

  • Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản?

Căn cứ theo khoản 2 và khoản 3 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì thời gian được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

  • Lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

  • Trường hợp lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Như vậy, có thể hiểu, lao động nữ sinh con để được hưởng chế độ thai sản cần phải đóng BHXH đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh hoặc 03 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai trong vòng 12 tháng trước khi sinh.

3. Mức hưởng trợ cấp thai sản được quy định như thế nào?

Theo Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

- Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị C là 6.500.000 đồng/tháng và chị C nghỉ sinh 06 tháng. Thì chị C được hưởng 39.000.000 đồng cho mức hưởng chế độ thai sản.

- Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Ty Na

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1297 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;