Các bước xử lý vị trí nguy hiểm trên đường thủy

Theo nội dung hướng dẫn tại Thông tư 50/2017/TT-BGTVT về quy định việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường thủy nội địa ban hành ngày 29/12/2017, việc xử lý vị trí nguy hiểm trên đường thủy nội địa gồm 06 bước sau:

Bước 1: Xác định sơ bộ và thống kê các vị trí nguy hiểm

  • Phân tích những yếu tố tiềm ẩn tai nạn giao thông, thống kê số vụ tai nạn giao thông ở các vị trí nguy hiểm trên đường thủy;
  • Lập hồ sơ vị trí nguy hiểm trên đường thủy;
  • Căn cứ vào các yếu tố tiềm ẩn tai nạn giao thông, số vụ tai nạn giao thông trong 12 tháng và mức độ nghiêm trọng về số người chết, bị thương, giá trị tài sản hư hỏng để sắp xếp sơ bộ thứ tự ưu tiên xử lý, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Bước 2: Khảo sát hiện trường và thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan

Sau khi xác định và sơ bộ xếp hạng ưu tiên xử lý vị trí nguy hiểm trên đường thủy nội địa, tiến hành khảo sát hiện trường để:

  • Đối chiếu, bổ sung các đặc trưng tại hiện trường: hệ thống báo hiệu, công trình, bãi cạn, vật chướng ngại, các đặc trưng khác của luồng (tầm nhìn, bán kính cong, bề rộng luồng, vận tốc và hướng dòng chảy, các yếu tố khác...) và hiện trạng hành lang bảo vệ luồng, hiện trạng ngoài hành lang bảo vệ luồng;
  • Phác họa sơ đồ, chụp ảnh hiện trường;
  • Xác định lưu lượng, loại phương tiện thủy nội địa, tàu biển và tình trạng giao thông;
  • Điều tra về tình hình thời tiết, khí hậu và các yếu tố môi trường khác có ảnh hưởng đến an toàn giao thông;
  • Điều tra, đánh giá chung về trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Bước 3: Phân tích, đánh giá và xác định nguyên nhân

Căn cứ kết quả khảo sát và hồ sơ hiện trường đã thu thập được, tiến hành xây dựng bản vẽ sơ đồ mặt bằng (các vụ tai nạn hoặc mặt bằng hiện trạng khu vực) theo tỷ lệ hợp lý thể hiện các đặc trưng chính của luồng: khu vực giao cắt, báo hiệu, công trình, bãi cạn, vật chướng ngại, cấp kỹ thuật, các đặc trưng khác, điều kiện tự nhiên - xã hội hai bên luồng(đường bờ, đê điều, vật kiến trúc, khu dân cư, bến bãi) và sơ đồ các vụ tai nạn. Tiến hành phân tích từng vị trí để xác định sơ bộ nguyên nhân.

Bước 4: Xếp hạng ưu tiên xử lý và lựa chọn biện pháp khắc phục

Căn cứ vào các nguyên nhân đã xác định tại Điều 10 Thông tư 50/2017/TT-BGTVT để tiến hành:

  • Xếp hạng ưu tiên xử lý các vị trí nguy hiểm;
  • Đề xuất biện pháp khắc phục theo nguyên tắc
    • Giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông;
    • Không được phát sinh nguyên nhân khác gây ra tai nạn giao thông;
    • Không gây ảnh hưởng xấu đến bảo đảm giao thông và môi trường xung quanh.

Bước 5: Xử lý vị trí nguy hiểm

  • Hồ sơ thiết kế, phương án xử lý vị trí nguy hiểm trên đường thủy nội địa được lập theo quy định;
  • Thi công xử lý vị trí nguy hiểm trên đường thủy nội địa phải tuân thủ phương án, thiết kế được duyệt và các quy địnhcủa pháp luật để đảm bảo an toàn giao thông khi thi công và khai thác;
  • Nguồn vốn xử lý vị trí nguy hiểm trên đường thủy nội địa được bố trí từ nguồn ngân sách của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.

Bước 6: Theo dõi và đánh giá kết quả

Công tác theo dõi, đánh giá kết quả xử lý vị trí nguy hiểm trên đường thủy nội địa do cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực thực hiện và báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Đối với luồng chuyên dùng do tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng thực hiện.

Xem thêm các nội dung tại: Thông tư 50/2017/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành ngày 15/02/2018. 

387 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;