Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động điều hành mọi hoạt động của hội đồng

Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thống nhất ban hành Thông tư 29/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động quy định tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.

hoi dong trong tai lao dong, thong tu 29/2015/TT-BLĐTBXH

Hình minh họa (nguồn internet)

Theo Thông tư 29/2015/TT-BLĐTBXH, Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng trọng tài lao động;

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của Hội đồng trọng tài lao động;

- Điều hành mọi hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động;

- Mời cơ quan, tổ chức có liên quan, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực quan hệ lao động tham dự các phiên hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động;

- Ký biên bản, Quyết định giải quyết tranh chấp lao động của Hội đồng trọng tài lao động.

Hội đồng trọng tài lao động tại Điều 34 Nghị định 05/2015/NĐ-CP gồm Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động, Thư ký Hội đồng trọng tài lao động và Thành viên Hội đồng. Trong đó:

Thư ký Hội đồng trọng tài lao động có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Lập kế hoạch công tác năm trình Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động phê duyệt;

- Thực hiện các công việc hành chính của Hội đồng trọng tài lao động;

- Tiến hành các thủ tục tổ chức phiên họp hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động và lập biên bản tại phiên hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động của Hội đồng trọng tài lao động;

- Phân loại, lưu trữ hồ sơ hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động;

- Lập báo cáo công tác hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động của Hội đồng trọng tài lao động.

Thành viên Hội đồng trọng tài lao động có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Thực hiện nhiệm vụ hòa giải tranh chấp lao động tập thể theo Quy chế làm việc của Hội đồng trọng tài lao động;

- Thực hiện các công việc theo phân công của Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động.

Thông tư 29 quy định Hội đồng trọng tài lao động hoạt động theo Quy chế làm việc do Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động ban hành. Quy chế làm việc của Hội đồng trọng tài lao động có những nội dung chủ yếu sau: phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc làm việc; nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động, thư ký Hội đồng trọng tài lao động, thành viên Hội đồng trọng tài lao động; chế độ làm việc; quan hệ công tác; công tác hành chính và nguồn lực bảo đảm hoạt động.

Về kinh phí hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động: Do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định phân cấp quản lý ngân sách hiện hành. Việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Chi tiết xem tại Thông tư 29/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 15/9/2015.

Thu Ba

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

249 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;