Có đúng nhiều giáo viên dạy tại vùng ĐBKK sẽ không còn được hưởng các loại phụ cấp?

Đây là câu hỏi gần đây Thư Ký Luật nhận được khá nhiều từ Quý Khách hàng, Thành viên sau khi Thư Ký Luật thông tin về việc Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hiệu lực thi hành từ 01/12/2019.

Ảnh minh họa

Vậy thực chất quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP là gì? Có phải từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì nhiều giáo viên dạy tại vùng ĐBKK sẽ không còn được hưởng các loại phụ cấp như Quý Khách hàng, Thành viên lo lắng?

Thư Ký Luật xin giải đáp vấn đề này như sau: Nghị định 76 mới ban hành thực chất không bỏ bớt hay bổ sung thêm loại phụ cấp nào so với quy định hiện hành mà chỉ tổng hợp toàn bộ các loại phụ cấp đối với giáo viên và cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quy định tại nhều văn bản rải rác về một văn bản thống nhất. Cụ thể, Nghị định 76 cũng quy định rõ, giáo viên và cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng các loại phụ cấp sau: Phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục. Do đó, những giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức nào đang thuộc đối tượng được hưởng các loại phụ cấp theo Nghị định 116 thì sẽ tiếp tục hưởng các loại phụ cấp này theo quy định tại Nghị định 76 khi Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Sở dĩ nhiều người lo lắng mình sẽ không còn thuộc diện được hưởng cá loại phụ cấp nêu trên vì có sự thay đổi trong quy định về phạm vi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ tại Nghị định 76 so vưới Nghị định 116. Cụ thể, theo quy định hiện hành tại Nghị định 116/2010/NĐ-CP, Nghị định 61/2006/NĐ-CP, Nghị định 19/2013/NĐ-CP, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm:

"a) Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1;

b) Các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

c) Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,… (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền."

Tuy nhiên, Nghị định 76/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2019 đã thay đổi quy định này như sau:

“2. Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại khoản 1 Điều này, bao gồm:

a) Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1;

b) Các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

c) Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,... (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.”

Thứ nhất, có thể thấy Nghị định 76/2019/NĐ-CP đã thay đổi cụm từ “Các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi tại Nghị định 116 thànhCác xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi”. Với  sự thay đổi câu chữ này, nhiều người lo lắng rằng, có phải nhà nước đã thu hẹp lại phạm vi các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi được hưởng chế độ hay không? Có phải các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy địnhhiện nay chỉ là một phần của quy định hiện hành tại Nghị định 116 hay không? Tuy nhiên, mọi người đừng quá lo lắng vì thực chất 2 cụm từ này là chỉ cùng một đối tượng. Cụ thể, theo quy định tại Quyết định 50/2016/QĐ-TTg thì xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi được xác định theo ba khu vực: Xã khu vực III là xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xã khu vực II là xã có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nhưng đã tạm thời ổn định và xã khu vực I là các xã còn lại.

Như vậy có thể thấy, các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 76 chính là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 116, sẽ không có sự thay đổi về phạm vi áp dụng ở đây.

Về Danh sách các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020, Quý Khách hàng và Thành viên có thể xem TẠI ĐÂY.

Thứ hai, Nghị định 76 đã thay đổi cụm từ “các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủtại Nghị định 116 thành xã đảo đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ”. Với sự thay đổi câu chữ tại quy định này, nhiều người đã lo lắng rằng có phải nhà nước đã bỏ các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển ra khỏi phạm vi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ hay không? Về vấn đề này, theo Quyết định 1559/QĐ-TTg thì xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo là xã có vị trí ở vùng bãi ngang ven biển và hải đảo có đường ranh giới tiếp giáp bờ biển hoặc xã cồn bãi, cù lao, đầm phá, bán đảo, hải đảo và đáp ứng các tiêu chí tại Quyết định này. Danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020, Quý Khách hàng và Thành viên có thể xem TẠI ĐÂY.

Tuy nhiên, về quy định mới tại Nghị định 76, hiện nay vẫn chưa có Quyết định cụ thể nào quy định xã đảo đặc biệt khó khăn có bao gồm các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hay không. Vì vậy, mọi người cũng đừng quá lo lắng, cũng không thể khẳng định là giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển sẽ không được hưởng các loại phụ cấp theo Nghị định 76 nữa mà mọi người nên chờ văn bản hướng dẫn cụ thể của nhà nước.

Nguyễn Trinh 

12486 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;