Con đường trở thành Luật sư ở Việt Nam

Luật sư là một nghề rất được coi trọng và phổ biến đối với người học và làm luật, là một chức danh tư pháp được Bộ Tư Pháp công nhận. Để trở thành Luật sư tại Việt Nam, người học luật phải có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và phải trải qua con đường học tập, tập sự, được công nhận theo các bước như sau:

 

1. Phải có bằng cử nhân Luật

Theo quy định tại Điều 10 Luật Luật sư 2006, người đủ tiêu chuẩn là Luật sư phải có bằng cử nhân Luật. Bằng cử nhân Luật được cấp khi hoàn thành chương trình đào tạo đại học chuyên ngành Luật tại Việt Nam hoặc nước ngoài, thông thường người học chính quy sẽ mất khoảng 4 năm đào tạo hoặc từ 2 – 3 năm đối với học bằng tại chức.

2. Tham gia khoá đào tạo nghề Luật sư

Sau khi có bằng cử nhân Luật, người học tham gia khóa học đào tạo nghề Luật sư tại: Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp và cơ sở đào tạo nghề Luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Ngoài trừ các đối tượng sau đây không cần phải tham gia khóa đào tạo nghề Luật sư:

  • Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.
  • Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật.
  • Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
  • Đã là thẩm tra viên chính ngành Toà án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

Thời gian tham gia khóa học hiện nay theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư 2012 là: 12 tháng.

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề Luật sư, người học được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề Luật sư.

3. Tập sự hành nghề Luật sư

Ngoại trừ những người sau đây được miễn tập sự hành nghề Luật sư, người có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề Luật sư được tập sự hành nghề tại tổ chức hành nghề Luật sư ( công ty Luật, văn phòng Luật sư...):

  • Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành Luật, tiến sỹ Luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra Viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

Thời gian tập sự hành nghề Luật sư là mười hai tháng, trừ những người sau đây được giảm thời gian tập sự:

  • Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật: Giảm hai phần ba thời hạn tập sự, tức là thời hạn tập sự giảm còn bốn tháng;
  • Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên: Giảm một nửa thời gian tập sự, tức là thời hạn tập sự giảm còn sáu tháng.

Đăng ký tập sự tại Đoàn Luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề Luật sư mà mình tập sự.

4.  Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư 

Sau khi kết thúc chương trình tập sự hành nghề Luật sư, người học phải trải qua kỳ Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức.

Người được miễn tập sự hành nghề Luật sư thì không phải tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư. 

5. Cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư

Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư và người được miễn tập sự hành nghề Luật sư được cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư.

Người có yêu cầu cấp Chứng chỉ lập hồ sơ theo Điều 17 Luật Luật sư 2006, được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư 2012, gửi lên Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư hoặc Sở Tư pháp nơi người đó thường trú.

Bộ Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư.

6. Gia nhập Đoàn Luật sư

Để hành nghề Luật sư, người có Chứng chỉ hành nghề Luật sư gia nhập một Đoàn Luật sư do mình lựa chọn và được cấp thẻ Luật sư.

Hoàn thành tất cả các bước trên thì đã được hành nghề với tư cách là một Luật sư.

4619 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;