Khi nào Luật sư được gặp thân chủ của mình trong giai đoạn điều tra?

Để đảm bảo quyền lợi cho người bị buộc tội và phục vụ cho việc bào chữa, Luật sư có quyền gặp thân chủ khi bị tạm giam, tạm giữ trong giai đoạn điều tra.

Khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định người bào chữa có một số quyền sau đây:

- Gặp, hỏi người bị buộc tội.

- Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.

Khi nào Luật sư được gặp thân chủ của mình trong giai đoạn điều tra?

Hình minh họa (Nguồn internet)

Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 cũng quy định: "Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh; phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa".

Đặc biệt, mới đây Bộ Công an đã ban hành Thông tư 46/2019/TT-BCA với các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người bị buộc tội cũng như giúp các Luật sư có điều kiện tốt hơn để bảo vệ cho thân chủ của mình.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 12 Thông tư 46/2019/TT-BCA quy định, khi người bào chữa đề nghị gặp thân chủ và đã xuất trình văn bản thông báo người bào chữa và Thẻ luật sư, CMND hoặc thẻ CCCD thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải bố trí để người bào chữa gặp thân chủ và phổ biến cho người bào chữa biết quy định của trụ sở Cơ quan điều tra và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh.

Đối với trường hợp người bào chữa đề nghị gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam phải thông báo cho Cơ quan đang thụ lý vụ án biết việc gặp của người bào chữa để cử người phối hợp với cơ sở giam giữ giám sát cuộc gặp nếu xét thấy cần thiết.

Đáng chú ý, Khoản 3 Điều 12 Thông tư 46 quy định Cơ quan điều tra, Cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam.

Như vậy, theo các quy định trên, Luật sư sẽ không còn bị giới hạn về số lần và thời gian gặp thân chủ của mình và sẽ có hai trường hợp mà người bào chữa được gặp thân chủ của mình khi bị bắt, tạm giam, tạm giữ trong giai đoạn điều tra:

- Thứ nhất, cuộc gặp, làm việc riêng của người bào chữa với thân chủ của mình. Theo đó cơ sở giam giữ phải giải quyết yêu cầu gặp mặt của người bào chữa, trong trường hợp gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì báo với cơ quan thụ lý vụ án để cử người tham gia giám sát nếu thấy cần thiết.

- Thứ hai, người bào chữa tham dự cuộc làm việc, hỏi cung theo kế hoạch của cơ quan điều tra, điều tra viên; chỉ được đặt câu hỏi khi được điều tra viên đồng ý.

Thanh Lâm

 

6817 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;