Lương, thưởng Tết Âm lịch 2020: Những vấn đề giáo viên cần lưu ý

Chỉ còn nửa tháng nữa là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020. Để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của Quý Khách hàng và Thành viên, Thư Ký Luật xin tổng hợp những vấn đề mà giáo viên cần phải lưu ý về lương và thưởng trong dịp nghỉ Tết này tại bài viết dưới đây.

luong thuong Tet 2020 cua giao vien

Ảnh minh họa

1. Giáo viên được nghỉ dạy và hưởng nguyên lương

Đây là quy định tại tại điều 115 Bộ Luật Lao động 2012. Cụ thể:

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch 05 ngày;

Trong đó, nếu ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì giáo viên được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Theo Thông báo 4544/TB-LĐTBXH được ban hành ngày 25/10/2019, thì Tết Âm lịch 2020, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nghỉ Tết Âm lịch năm 2020 liên tiếp 07 ngày, từ thứ Năm ngày 23/01/2020 đến hết thứ Tư ngày 29/01/2020 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Canh Tý).

Do ngày 25/01/2020 và ngày 26/01/2020 (tức ngày Mùng 1 và Mùng 2 Tết Âm lịch) trùng vào thứ Bảy và Chủ Nhật là ngày nghỉ hàng tuần nên CBCCVC sẽ nghỉ bù vào ngày 28/01/2020 và ngày 29/01/2020 (tức ngày Mùng 4 và Mùng 5 Tết Âm lịch).

2. Được hưởng ít nhất 300% tiền lương nếu phải trực tết, 390% tiền lương nếu trực ban đêm

Theo quy định trên, có thể thấy, trong các ngày nghỉ Tết giáo viên được quyền nghỉ và hưởng nguyên lương (bao gồm cả phụ cấp). Không ai có quyền ép giáo viên phải trực trường vào những ngày này.

Tuy nhiên, nhà trường cũng có thể thỏa thuận với giáo viên về việc trực trường vào dịp tết và khi đó giáo viên sẽ được hưởng lương làm thêm giờ theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật Viên chức 2010.

Điều 12. Quyền của viên chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương

...

2. Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, khi trực tết giáo viên sẽ được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2012 (hướng dẫn bởi Điều 25 Nghị định 05/2015/NĐ-CP) quy định:

Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

Như vậy, khi giáo viên trực trường vào những ngày nghỉ tết thì sẽ được trả thêm một khoản tiền bằng 300% tiền lương của ngày nghỉ tết đó, nếu phải trực vào ban đêm trong dịp Tết Âm lịch 2020 thì tổng tiền lương mà giáo viên nhận được bằng 390% tiền lương của ngày làm việc bình thường. Hơn nữa, khi thực hiện phân công trực tết, lãnh đạo trường phải tuân thủ các điều kiện sau đây:

- Được sự đồng ý của giáo viên;

- Bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

- Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, lãnh đạo trường phải bố trí để giáo viên được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

3. Giáo viên có thể không được thưởng Tết

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Luật viên chức 2010, viên chức được hưởng tiền thưởng theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 12. Quyền của viên chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương

3. Được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy, theo quy định trên thì cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập không bắt buộc phải thưởng Tết cho nhân viên của mình. Việc thưởng Tết là do cơ quan, đơn vị tự quyết định dựa trên nguồn kinh phí, doanh thu và năng suất làm việc của từng cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, nếu có trường nào không thưởng tết cho giáo viên của đơn vị mình thì không bị coi là vi phạm quy định pháp luật. Trường hợp có thưởng Tết thì số tiền thưởng cũng do các cơ quan, đơn vị tự quyết định dựa vào quy chế của từng đơn vị, pháp luật không quy định phải thưởng cụ thể như thế nào.

Nguyễn Trinh 

9406 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;