Lưu ý về điều kiện ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý

Lưu ý về điều kiện ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý
Thủy Phú

Luật trợ giúp pháp lý 2017 nêu rõ: Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý được ký kết giữa Sở Tư pháp với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý về việc thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về dân sự. Song để được ký kết hợp đồng các bên phải thỏa các điều kiện như sau:

 

Hợp đồng ký kết giữa Sở Tư pháp và tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật: 

Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Có lĩnh vực đăng ký hoạt động phù hợp với lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo quy định;
  • Có ít nhất 01 tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên hoặc 01 luật sư làm việc thường xuyên tại tổ chức;
  • Có cơ sở vật chất phù hợp với hoạt động trợ giúp pháp lý;
  • Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật.

Theo đó, tùy thuộc vào yêu cầu trợ giúp pháp lý và thực tiễn tại địa phương mà Sở Tư pháp sẽ lựa chọn, ký kết hợp đồng với các tổ chức có nguyện vọng.

Hợp đồng ký kết giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với luật sư:

Luật sư phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư;
  • Không bị cấm hành nghề hoặc bị hạn chế hoạt động nghề nghiệp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
  • Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đang làm việc hoặc cơ quan, tổ chức mà luật sư ký kết hợp đồng lao động.

Theo đó, căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý, nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương mà Trung tâm lựa chọn, ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với luật sư có đủ điều kiện nêu trên.

Hợp đồng ký kết giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với cộng tác viên trợ giúp pháp lý:

Những người đã nghỉ hưu, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có nguyện vọng thực hiện trợ giúp pháp lý có thể trở thành cộng tác viên trợ giúp pháp lý, bao gồm:

  • Trợ giúp viên pháp lý;
  • Thẩm phán, thẩm tra viên ngành Tòa án;
  • Kiểm sát viên, kiểm tra viên ngành kiểm sát;
  • Điều tra viên;
  • Chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án dân sự; chuyên viên làm công tác pháp luật tại các cơ quan nhà nước.

Theo đó, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ký kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với người được cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý để thực hiện tư vấn pháp luật tại địa phương.

Xem thêm Luật trợ giúp pháp lý 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. 

371 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;