Nên hay không quyền được chết?

Có sinh tất có diệt như là một đạo lý muôn thuở được mặc định sẵn trong tư duy của mỗi con người. Ai cũng hiểu rằng sống hay chết đều là những quá trình tự nhiên có quy luật: con người sinh ra, lớn lên rồi đến một lúc nào đó sẽ chết đi chứ chẳng ai có thể kỳ diệu đến nỗi trường sinh bất lão.

 

Con người được sinh ra tức là đã tồn tại trong một xã hội, con người là tế bào của xã hội, xã hội phát triển như thế nào phụ thuộc vào từng cá thể con người trong xã hội đó, do đó dù ở bất kỳ xã hội nào con người cũng có những quyền nhất định.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.” như vậy quyền sống là quyền đương nhiên của con người, pháp luật bảo vệ quyền sống còn của con người, thậm chí nghiêm cấm những ai có hành vi tước đoạt tính mạng của con người.

Quyền sống là nhu cầu thiết thực của con người, đặc biệt là mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành, có những người tham lam đến nỗi chỉ muốn sống hoài, sống dai dẳng chứ đừng chết, vì cái chết khiến họ sợ hãi, khiến họ mất hết tất cả. Nhưng, mỗi con người đều có một số phận, một hoàn cảnh khác nhau: có người được sống hạnh phúc, sống trong giàu sang phú quý nhưng cũng có số phận những người sống trong đau đớn, bệnh tật, khổ cực,...và chính số ít những số phận đó họ mong muốn có quyền được chết. 

Điển hình ở Cần Giuộc, Long An, có một số phận như vậy. Đó là một bà giáo không chồng, không con, không nhà cửa ruộng vườn. Vì mặc cảm với bệnh tật mà bà không dám mơ về một mái ấm gia đình, về hạnh phúc cá nhân. Mặc dù đã tìm cho mình những thú vui trong cuộc sống, làm những việc có ích cho xã hội nhưng nỗi sợ về một ngày không xa bệnh tật kéo đến mà không một ai bên cạnh khiến bà luôn đau đáu về hoàn cảnh của mình. Trong một lần tiếp xúc với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XII tại tỉnh Long An bà đã trải lòng nêu lên suy nghĩ về “quyền được chết"

Xuất phát từ những trường hợp, những hòan cảnh tương tự “quyền được chết” là nhu cầu có thật, thế nhưng nó không được thừa nhận vì trái với đạo lý của con người.

Giả sử nếu một người có nhu cầu chết, những người thân sẽ không đồng ý, họ sẽ tìm cách chữa chạy, cứu sống, họ không dám đối mặt với việc để người thân của mình rời xa họ, họ sẽ day dứt, ám ảnh về cái chết tự nguyện như vậy. Với truyền thống của một dân tộc vốn coi trọng hiếu nghĩa, trọng tình như Việt Nam thì quy định “quyền được chết” rất khó được chấp nhận, không mang tính “nhân đạo”.

Năm 2015 trong quá trình Quốc hội thảo luận về Bộ luật dân sự sửa đổi, các chuyên gia có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm "quyền được chết" cho những người sống thực vật, ung thư giai đoạn cuối, chịu đau đớn tột cùng về thể xác, tinh thần và muốn ra đi nhẹ nhàng.

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, phó khoa Luật hành chính Đại học Luật TP.HCM, cho rằng quyền được chết chỉ có vài quốc gia trên thế giới thừa nhận và thực hiện. Hiến pháp Việt Nam mới thừa nhận cho công dân có quyền được sống, quyền được hiến mô, hiến tạng... còn quyền được chết chưa có điều kiện, cơ sở để thừa nhận. Nếu thừa nhận quyền được chết, Nhà nước phải xây dựng luật quy định về quyền này, xây dựng cơ chế để bảo đảm quyền được thực thi đúng (ai, đối tượng nào, hoàn cảnh nào mới được sử dụng quyền được chết, cách thức sử dụng quyền ra sao...), chuẩn bị cơ sở vật chất để thi hành...

Thêm vào đó nếu quy định “quyền được chết” sẽ có một số trường hợp lợi dụng quyền này để giết người có chủ đích, con cháu cưỡng ép ông bà, cha mẹ ký vào giấy an tử...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng “Trên thực tế những người bệnh nặng, y học bó tay, chịu đau đớn kéo dài cũng mong được chết một cách êm dịu và tôi nghĩ rằng nên chấp thuận mong muốn ấy của họ” 

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương (giảng viên Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) cho rằng: “Quyền được chết cần thiết cho một số bệnh nhân đang mang những căn bệnh không thể điều trị được, gây cho họ cảm giác đau đớn, khó chịu đến mức mong muốn được chết như một sự giải thoát.

Đứng trên cương vị người bác sĩ điều trị, hiểu được những gì mà bệnh nhân phải trải qua, tôi cho rằng Quốc hội cần bổ sung quyền được chết cho những bệnh nhân này, đặc biệt khi họ còn đủ năng lực, hành vi và có ý nguyện được chết để giải thoát khỏi sự đau đớn”.

Do đó, việc ban hành quy định “quyền được chết” vẫn còn là những trăn trở cho các nhà làm luật, thi hành luật và người dân. 

 

-Thủy Phú-

4213 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;