Những điều người sử dụng lao động cần làm khi xảy ra tai nạn lao động

Tai nạn lao động là điều không ai mong muốn xảy ra, thế nhưng rủi ro xảy ra vẫn rất cao và có thể bất ngờ. Khi xảy ra tai nạn lao động, người sử dụng lao động cần phải làm những gì, Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 đã quy định những trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau.

 

1. Khai báo tai nạn lao động

Người sử dụng sau khi nhận được thông tin tai nạn lao động xảy ra làm chết người hoặc bị bị thương nặng từ hai người lao động trở lên thì có trách nhiệm khai báo với:

  • Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn;
  • Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương: Trong trường hợp có người chết.

Đối với các vụ tai nạn, sự cố xảy ra trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện khai báo theo quy định của luật chuyên ngành.

Hình ảnh minh họa

2. Điều tra tai nạn lao động

Người sử dụng lao động phải lập đoàn điều tra để điều tra tai nạn lao động làm bị thương nhẹ, tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Thời hạn điều tra vụ tai nạn lao động: Không quá 04 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nhẹ người lao động; Không quá 07 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động.

Kết thúc quá trình điều tra, Người sử dụng lao động phải công bố biên bản điều tra và công khai thông tin tai nạn lao động.

3. Thực hiện chế độ tai nạn lao động

Chế độ tai nạn lao động của người sử dụng lao động là chế độ được thực hiện trực tiếp nhằm hỗ trợ, bù đắp tổn thương do tai nạn lao động gây ra cũng như tạo điều kiện phục hồi sức khỏe giúp người lao động sớm trở lại công việc. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm như sau:

  • Kịp thời sơ cứu, cấp cứu và tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động;
  • Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định, gồm các chi phí như:
    • Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
    • Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
    • Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
    • Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
  • Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra với mức như sau:
    • Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% - 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% - 80%;
    • Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  • Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức bồi thường trên với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;
  • Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
  • Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;
  • Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
  • Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Xem chi tiết tại Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.

2491 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;