Phụ lục hợp đồng là gì?

Thông thường trong một số trường hợp ký kết hợp đồng, có một số điều khoản chưa cụ thể, chi tiết hoặc một trong các bên muốn bổ sung thêm một vài nội dung thì các bên sẽ tiến hành lập một bản phụ lục kèm theo. Văn bản này được gọi là phụ lục hợp đồng.

Tại Điều 408 Bộ luật dân sự 2005 quy định về phụ lục hợp đồng như sau:

"1. Kèm theo hợp đồng có thể có phụ lục để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.

 2. Trong trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi".

Theo quy định trên ta có thể nhận thấy phụ lục hợp đồng là phần quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng, vì vậy nó là một bộ phận của hợp đồng. Phụ lục của hợp đồng có hiệu lực cùng với hiệu lực của hợp đồng. Bản phụ lục của hợp đồng được xây dựng kèm theo hợp đồng, nên nó không thể áp dụng riêng rẽ mà luôn luôn phụ thuộc và thực hiện cùng với việc thực hiện hợp đồng, nên nội dung phụ lục của hợp đồng phải phù hợp với nội dung của hợp đồng.

Các bên tham gia ký kết hợp đồng không những chỉ có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nội dung hợp đồng đã ký kết, mà còn phải thực hiện đúng các nội dung được thể hiện trong bản phụ lục của hợp đồng.

Điểm phân biệt giữa phụ lục của hợp đồng với hợp đồng phụ là chỗ: mặc dù hợp đồng phụ được lập ra cũng với mục đích là để thực hiện hợp đồng chính nhưng hợp đồng phụ có tính độc lập tương đối với hợp đồng chính và không nhất thiết phải thực hiện cùng một lúc với hợp đồng chính.  

Khi tham gia ký kết hợp đồng, nếu phụ lục của hợp đồng được xây dựng cùng với quá trình thảo luận ký kết hợp đồng thì ít trường hợp phụ lục của hợp đồng lại trái với nội dung của hợp đồng. Nhưng trong trường hợp các bên đã ký kết hợp đồng mà trong quá trình thực hiện hợp đồng có một số điều khoản chưa được rõ ràng hoặc có những vấn đề phát sinh cần được giải thích hoặc được thể hiện rõ hơn, các bên tham gia ký kết hợp đồng mới cùng nhau thảo luận và lập một bản phụ lục của hợp đồng. Trong trường hợp phụ lục của hợp đồng có nội dung trái với hợp đồng thì các bên tham gia giao kết hợp đồng sẽ phải lập một bản hợp đồng mới sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã lập trước đó. 

Đa số các loại hợp đồng thông dụng không quy định về số lần ký tối đa của phụ lục hợp đồng, miễn sao nội dung trong phụ lục không trái với hợp đồng và quy định của pháp luật.

Tuy nhiên phụ lục hợp đồng lao động lại bị giới hạn bởi số lần lập theo quy định tại Điều 5 Nghị định 05/2015/NĐ-CP về sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động như sau:

“Thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại Khoản 6 Điều 192 của Bộ luật Lao động.”

Theo quy định trên thì thời hạn hợp đồng chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết.

Những văn bản có liên quan:

Bộ Luật Lao động 2012

Bộ luật Dân sự 2015

30830 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;