Quy trình kiểm tra và xử phạt vi phạm giao thông mọi người cần phải biết

Khi người dân tham gia giao thông có hành vi vi phạm giao thông thì phải chịu xử phạt theo quy định của pháp luật, lúc này mọi người cần lưu ý một số vấn đề sau đây về quá trình kiểm tra và xử phạt của lực lượng CSGT nhằm đảm bảo quyền lợi của bản thân.

1. Các lực lượng có thẩm quyền dừng và xử lý phương tiện

- Khoản 1 Điều 87 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định CSGT là người có quyền kiểm soát và kiểm tra lỗi vi phạm.

“Cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.”

- Tuy nhiên, CSGT có thể huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp đề cùng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông trong trường hợp cần thiết.

- Trong khi đó, lực lượng công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường liên xã, liên thôn và xử lý các hành vi vi phạm theo Khoản 4 Điều 7 Thông tư 47/2011/TT-BCA.

2. Trường hợp CSGT được phép dừng xe để kiểm tra, giám sát

- Căn cứ Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA thì CSGT chỉ được phép dừng xe người đi đường trong các trường hợp sau:

+ Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

+ Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục CSGT hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên.

+ Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên.

+ Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.

+ Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

+ Các lực lượng có thẩm quyền dừng và xử lý phương tiện

3. Tác phong, thái độ của CSGT

- Điểm b Khoản 2 Điều 36 Thông tư 17/2012/TT-BCA quy định cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân phải thực hiện chào bằng động tác hoặc kết hợp chào bằng lời khi gặp để giải quyết công việc với nhân dân, với người nước ngoài.

- Trường hợp tiếp xúc với các đối tượng vi phạm pháp luật thì cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân không được có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử với người vi phạm theo Điều 41 Thông tư 17/2012/TT-BCA và gọi người vi phạm là “anh, chị”, xưng “tôi” theo Điều 38 Thông tư 17/2012/TT-BCA.

4. Kiểm soát giấy tờ và thông báo lỗi

- Điểm c Khoản 1 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định khi đã dừng phương tiện thì CSGT phải thực hiện kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy phạm pháp luật. Do đó, CSGT phát hiện hành vi vi phạm giao thông thì được dừng xe và thực hiện việc kiểm soát giấy tờ.

- Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 14, kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện bao gồm:

+ Giấy phép lái xe; Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ khác có liên quan đến người, phương tiện, hoạt động vận tải;

+ Khi kiểm soát phải đối chiếu giữa các giấy tờ với nhau, giữa giấy tờ có liên quan với thực tế người, phương tiện, hàng hóa vận chuyển trên phương tiện.

5. Chứng minh có hành vi vi phạm

- Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

- Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 14 Thông tư 01/2016/TT-BCA thì trong trường hợp các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông được ghi lại bằng các phương tiện, thiết bị nghiệp vụ thì người tham gia giao thông có quyền được xem hình ảnh, kết quả ghi thu lại đó. Nếu như không xem được ngay thì phải hướng dẫn người dân xem tại cơ quan công an.

6. Xử lý vi phạm và nộp phạt

- Theo Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì nếu như cá nhân vi phạm mà bị xử phạt từ 250.000 đồng trở xuống, hoặc tổ chức vi phạm hành vi bị phạt từ 500.000 đồng trở xuống thì việc xử phạt hành chính có thể thực hiện mà không cần biên bản trừ trường hợp phát hiện hành vi vi phạm bằng thiết bị, phương tiện kỹ thuật.

- Việc nộp phạt được thực hiện theo quy định tại Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được hướng dẫn tại Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP), theo đó trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt, cá nhân tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc các ngân hàng thương mại do ngân hàng Nhà nước ủy quyền thu tiền phạt hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước.

Duy Thịnh

5134 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;