Thương nhân là gì?

Thương nhân có quyền hoạt động thương mại dưới các hình thức ngành nghề ở các địa bàn mà pháp luật không cấm và quyền hoạt động thương mại hợp pháp của thương nhân được Nhà nước bảo hộ.

Ngày xưa, những người chuyên buôn bán hàng hóa, giao lưu thương mại tự do nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận được gọi là thương nhân hay thương gia.

Ngày nay, thương nhân là chủ thể được quy định khá chặt chẽ trong pháp luật thương mại. Theo Luật Thương Mại 2005, thương nhân là các tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật và các cá nhân tiến hành hoạt động thương mại có tính thường xuyên, độc lập và có đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. 

Từ khái niệm trên có thể thấy để trở thành thương nhân phải đáp ứng một số điều kiện sau:

Thứ nhất, về chủ thể:

  • Cá nhân (công dân Việt Nam và công dân nước ngoài): Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay đang chấp hành hình phạt tù, không thuộc trường hợp đang trong thời gian tước quyền hành nghề vì buôn lậu, đầu cơ,...;
  • Tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, cá nhân, tổ chức kinh tế phải tiến hành hoạt động thương mại, tức là thực hiện hành vi mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại hay xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Thứ ba, tiến hành hoạt động thương mại một cách độc lập về mặt pháp lí. Điều này có nghĩa là, cá nhân, tổ chức đó phải tham gia vào hoạt động thương mại hoặc giao dịch thương mại với tư cách là chủ thể pháp luật độc lập, có khả năng bằng hành vi của mình, nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật và tự chịu trách nhiệm đối với các hành vi đó. Chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp không phải là thương nhân vì không có khả năng tham gia và chịu trách nhiệm độc lập trong các quan hệ pháp luật mà chỉ là đơn vị phụ thuộc của thương nhân.

Thứ tư, các hoạt động thương mại phải được cá nhân, tổ chức tiến hành thường xuyên. Tức là hoạt động thương mại diễn ra liên tục, không bị gián đoạn hay chỉ hoạt động tạm thời, nguồn thu nhập chính là từ lợi nhuận của hoạt động thương mại.

Thứ năm, để trở thành thương nhân thì cá nhân phải đăng ký kinh doanh; còn tổ chức kinh tế sẽ xuất hiện với tư cách là chủ thể của pháp luật và đồng thời là thương nhân kể từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp chưa đăng ký kinh doanh, thương nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật. Đăng ký kinh doanh là điều kiện bắt buộc, nếu cá nhân có thực hiện một số hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi như­ng không thuộc đối t­ượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh thì không được xem là “th­ương nhân” 

 

Những văn bản có liên quan:

Luật Thương mại 2005

Nghị định 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh

 

14417 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;