Toàn bộ quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan

Đây là quy định đáng chú ý tại Thông tư 02/2019/TT-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan.

Theo đó, Thông tư 02/2019/TT-BVHTTDL quy định việc giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện theo quy trình 04 bước, cụ thể sau đây:

quy trinh giam dinh tu phap ve quyen tac gia, quyen lien quan, Thong tu 02/2019/TT-BVHTTDL

Hình minh họa (nguồn internet)

Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu, trưng cầu giám định

  • Người giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định và tài liệu, mẫu vật có liên quan để thực hiện giám định; trường hợp không đủ điều kiện giám định thì từ chối theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.

  • Việc giao, nhận hồ sơ, tài liệu, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư 07/2014/TT-BVHTTDL.

Bước 2: Chuẩn bị thực hiện giám định

  • Người giám định tư pháp (GĐTP), tổ chức GĐTP tiến hành nghiên cứu hồ sơ trưng cầu, yêu cầu và các quy định cụ thể của pháp luật về sở hữu trí tuệ để chuẩn bị thực hiện GĐTP. Trường hợp cần làm rõ thêm về nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, đối tượng giám định thì đề nghị người trưng cầu, yêu cầu cung cấp thêm thông tin, tài liệu có liên quan.

  • Người giám định tư pháp có thể tự mình tiến hành lấy mẫu giám định hoặc đề nghị người trưng cầu, yêu cầu giám định cung cấp mẫu giám định. Việc cung cấp mẫu giám định phải được lập thành biên bản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và được lưu trong hồ sơ giám định. Trường hợp cần thiết, người GĐTP tổ chức lấy kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác để đưa ra đánh giá, kết luận.

  • Tổ chức GĐTP quyết định thực hiện GĐTP về quyền tác giả, quyền liên quan bằng hình thức giám định cá nhân hoặc giám định tập thể đối với những vụ việc phức tạp. Trường hợp giám định tập thể thì số lượng người tham gia GĐTP phải từ 03 người trở lên, trong đó có ít nhất 01 người thuộc chuyên ngành đào tạo về Luật. Quyết định thực hiện GĐTP về quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

  • Tổ chức GĐTP căn cứ vào hồ sơ trưng cầu, yêu cầu giám định để lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc phù hợp, phân công người chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện GĐTP.

Bước 3: Thực hiện giám định

Người GĐTP xem xét đối tượng giám định và sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật trên cơ sở hồ sơ trưng cầu, yêu cầu giám định. Đồng thời, người GĐTP phải ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình giám định, kết quả thực hiện giám định bằng văn bản (theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 07/2014/TT-BVHTTDL) và được lưu trong hồ sơ giám định.

Bước 4: Kết luận giám định

Căn cứ kết quả giám định tư pháp và quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, người GĐTP kết luận những vấn đề có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan. Kết luận giám định thực hiện theo Mẫu số 04a và 04b ban hành kèm theo Thông tư 07/2014/TT-BVHTTDL .

Bước 5: Bàn giao kết luận giám định

Khi việc thực hiện giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan hoàn thành, người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp có trách nhiệm bàn giao kết luận giám định cho người trưng cầu, yêu cầu giám định. Biên bản bàn giao kết luận giám định thực hiện theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư 07/2014/TT-BVHTTDL .

Bước 6: Lập hồ sơ, lưu giữ hồ sơ giám định

Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp có trách nhiệm lập hồ sơ giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Giám định tư pháp và quy định tại Thông tư này. Việc bảo quản, lưu giữ hồ sơ giám định tư pháp thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Xem toàn văn quy định tại Thông tư 02/2019/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ 01/9/2019.

Thu Ba

419 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;