Trình tự, thủ tục đăng ký mở ngành đào tạo trình độ đại học

Đây là một trong những nội dung cơ bản tại Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT được ban hành ngày 06/9/2017. Theo đó, trình tự, thủ tục đăng ký mở ngành đào tạo trình độ đại học được quy định như sau:

1. Khi có nhu cầu mở ngành đào tạo và tự đánh giá có đủ các điều kiện mở ngành trình độ đại học, cơ sở đào tạo thực hiện các bước sau đây:

  • Thủ trưởng cơ sở đào tạo chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra và xác nhận các điều kiện thực tế mở ngành đào tạo theo mẫu tại Phụ lục II. Thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về tính xác thực của các điều kiện mở ngành đào tạo đã xác nhận;
  • Thẩm định chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo;
  • Gửi hồ sơ mở ngành đào tạo đến cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép mở ngành đào tạo.

2. Hồ sơ mở ngành đào tạo, bao gồm:

  • Công văn đề nghị mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo (tóm tắt quá trình xây dựng đề án mở ngành đào tạo, khẳng định đảm bảo điều kiện mở ngành đào tạo theo quy định);
  • Quyết nghị của Hội đồng đại học (đối với phân hiệu, khoa trực thuộc đại học quốc gia, đại học vùng), Hội đồng trường (đối với các cơ sở đào tạo đại học công lập), Hội đồng quản trị (đối với các cơ sở đào tạo đại học ngoài công lập) về việc mở ngành mới;
  • Đề án mở ngành đào tạo được xây dựng theo quy định tại Phụ lục III, bao gồm các nội dung chính:
    • Sự cần thiết mở ngành đào tạo;
    • Năng lực của cơ sở đào tạo (đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu ngành đề nghị mở ngành đào tạo; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện, giáo trình; hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế);
    • Tóm tắt chương trình đào tạo và kế hoạch đào tạo (bao gồm cả đối tượng và điều kiện tuyển sinh, dự kiến tuyển sinh trong 03 năm đầu);
    • Biên bản của Hội đồng khoa học đào tạo của cơ sở đào tạo thông qua đề án mở ngành đào tạo;
  • Lý lịch khoa học của giảng viên cơ hữu theo mẫu tại Phụ lục IV và Phiếu tự đánh giá thực hiện các điều kiện mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo theo mẫu tại Phụ lục V;
  • Minh chứng về nhu cầu xã hội đối với ngành dự kiến mở mới, bao gồm kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp trong cùng lĩnh vực ở địa phương, khu vực; ý kiến của những cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động, dự báo nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;
  • Các minh chứng về xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo, bao gồm:
    • Quyết định thành lập tổ soạn thảo chương trình đào tạo;
    • Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo (sau đây gọi là Hội đồng thẩm định); 
    • Kết luận của Hội đồng thẩm định;
    • Văn bản giải trình của cơ sở đào tạo về việc điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng theo kết luận của Hội đồng thẩm định (nếu có).

3. Hồ sơ mở ngành đào tạo được lập thành 02 bộ gửi tới cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép mở ngành đào tạo (trực tiếp hoặc theo đường bưu điện) và phải công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo trước khi gửi hồ sơ ít nhất 20 ngày. 

Xem thêm: Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành ngày 23/10/2017. 

739 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;