Trình tự xử lý đơn yêu cầu nhờ người bào chữa của đại diện người bị giữ

Đây là quy định đáng chú ý tại Thông tư 46/2019/TT-BCA của Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

Theo đó, Điều 4 Thông tư 46/2019/TT-BCA hướng dẫn lực lượng Công an nhân dân trong việc tiếp nhận, xử lý đơn yêu cầu nhờ người bào chữa của người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, cụ thể như sau:

xu ly don yeu cau nho nguoi bao chua cua dai dien nguoi bi giu, Thong tu 46/2019/TT-BCA

Hình minh họa (nguồn internet)

Bước 1: Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam đang quản lý người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm tiếp nhận đơn yêu cầu nhờ người bào chữa của người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam kèm theo giấy tờ chứng minh mối quan hệ của họ với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Việc tiếp nhận đơn được thực hiện tại nơi tổ chức trực ban hình sự của Cơ quan điều tra hoặc nơi trực ban của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.

Bước 2: Ngay sau khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, Cơ quan điều tra, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam có trách nhiệm đóng dấu văn bản đến, ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận và phải thông báo ngay cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam để họ có ý kiến về việc nhờ người bào chữa.

Bước 3: Sau khi nhận được thông báo về việc nhờ người bào chữa, nếu người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam đồng ý nhờ người bào chữa thì thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư này. Trường hợp họ từ chối nhờ người bào chữa thì cơ quan đang quản lý người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam lập biên bản về việc từ chối và xử lý như sau:

- Đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt đang ở trụ sở Cơ quan điều tra: Trong thời hạn không quá 12 giờ kể từ khi lập biên bản, Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo cho người bào chữa mà người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt nhờ và Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra có trách nhiệm thống nhất về thời gian với người bào chữa để trực tiếp gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, xác nhận việc từ chối và phải lập biên bản. Trường hợp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt đã có quyết định tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền thì Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra vẫn phải thông báo và thống nhất về thời gian với người bào chữa để gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt đã có quyết định tạm giữ.

Đối với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam: Trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Cơ quan điều tra, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam có trách nhiệm thông báo kèm theo biên bản cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án biết (trong trường hợp Nhà tạm giữ, trại tạm giam lập biên bản). Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra có trách nhiệm thống nhất về thời gian với người bào chữa để trực tiếp gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, xác nhận việc từ chối và phải lập biên bản.

+ Trường hợp người bị tạm giữ bị khởi tố bị can và có lệnh tạm giam của người có thẩm quyền thì Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra vẫn phải thống nhất về thời gian với người bào chữa để gặp người bị tạm giữ đã có lệnh tạm giam.

+ Trường hợp người bị tạm giữ bị khởi tố bị can nhưng không bị áp dụng biện pháp tạm giam thì việc bảo đảm thực hiện quyền bào chữa được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này.

+ Trường hợp người bị tạm giữ được trả tự do, nếu vẫn còn tư cách tham gia tố tụng thuộc trường hợp có quyền nhờ người bào chữa thì vẫn tiến hành các thủ tục đăng ký bào chữa; nếu không thuộc trường hợp có quyền nhờ người bào chữa thì tạm dừng tiến hành các thủ tục đăng ký bào chữa.

Xem thêm quy định khác tại Thông tư 46/2019/TT-BCA có hiệu lực từ 02/12/2019.

Thu Ba

 

 

528 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;