Từ 15/8, điều chỉnh mức lương cơ sở theo ngạch

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc để xác định nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở là số thực có mặt tại thời điểm ngày 1/7/2017, nhưng không vượt quá tổng số biên chế được giao năm 2017.

Thông tư 67/2017/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định 76/2017/NĐ-CP ngày 30/6/2017 của Chính phủ vừa được Bộ Tài chính ban hành.

Tính theo lượng người thực tế tại thời điểm 1/7/2017

Theo đó, tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc để xác định nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở là số thực có mặt tại thời điểm ngày 1/7/2017, nhưng không vượt quá tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt) năm 2017. Đối với số đối tượng vượt so với tổng số biên chế được giao tại thời điểm báo cáo, đơn vị phải tự đảm bảo nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở cho các đối tượng này.

Việc xác định tổng số biên chế được giao (hoặc phê duyệt) của các bộ, cơ quan trung ương (TƯ), đối với biên chế các cơ quan của Quốc hội, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước theo nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Biên chế của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Về biên chế hành chính nhà nước (HCNN), đơn vị sự nghiệp công (ĐVSNC) tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và ĐVSNC do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên khác theo quyết định giao của Bộ Nội vụ.

Trường hợp biên chế của các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thì biên chế HCNN theo quyết định giao của Bộ Nội vụ, biên chế sự nghiệp theo phê duyệt của hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật...

Tại các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương theo thông báo của Ban Tổ chức TƯ. Riêng đối với biên chế cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã được xác định trong phạm vi định biên theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 92/2009/NĐ-CP.

Đối với số người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, chỉ tổng hợp đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân trong phạm vi số biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Điều chỉnh mức lương cơ sở căn cứ vào hệ số lương theo ngạch

Nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP cho các đối tượng nêu tại khoản 1 Điều này căn cứ vào mức tiền lương cơ sở tăng thêm; hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ; hệ số phụ cấp lương theo chế độ quy định; tỷ lệ các khoản đóng góp theo chế độ.

Nhu cầu điều chỉnh trợ cấp tăng thêm cho cán bộ xã nghỉ việc căn cứ vào số đối tượng thực có mặt tại thời điểm ngày 1/7/2017, mức trợ cấp tăng thêm quy định tại Điều 2 Nghị định 76/2017/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Nguồn kinh phí thực hiện Nghị định 47/2017/NĐ-CP trong năm 2017 của các bộ, cơ quan TƯ, đối với các cơ quan HCNN, Đảng, đoàn thể thì nguồn thực hiện đến hết năm 2016 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2017. Đơn vị sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2017, sử dụng tối thiểu 40% chênh lệch thu, chi từ hoạt động dịch vụ.

Trường hợp các nguồn kinh phí theo quy định nêu trên nhỏ hơn nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm theo quy định tại Điều 2 thông tư này, đơn vị phải tự bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2017 được giao.

Các đơn vị sự nghiệp công lập, sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2017 (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện mức lương cơ sở 1,21 triệu đồng/tháng). Riêng ngành y tế sử dụng tối thiểu 35%. Phạm vi trích số thu được để lại thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.

Đối với các địa phương nghèo, ngân sách khó khăn, có nhu cầu kinh phí để thực hiện chế độ theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP và Nghị định 76/2017/NĐ-CP lớn hơn nguồn kinh phí theo quy định tại thông tư này, chậm nhất đến ngày 1/12/2017 phải có báo cáo đề nghị mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương theo biểu mẫu (biểu mẫu trung ương, biểu mẫu địa phương) quy định gửi Bộ Tài chính.

Quá thời hạn trên, nếu địa phương không có báo cáo hoặc báo cáo chưa đầy đủ thì địa phương tự bố trí, sắp xếp nguồn để thực hiện cải cách tiền lương, ngân sách trung ương không hỗ trợ. 

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2017.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam Online

419 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;