Tự ý thu giữ CMND là bất hợp pháp

Chứng minh nhân dân (CMND) là giấy tờ tùy thân cơ bản, quan trọng của mỗi công dân, là phương tiện thực quyền, nghĩa vụ của công dân trong hầu hết các giao dịch dân sự, thủ tục hành chính… Trong một số trương hợp cơ quan chức năng có quyền thu giữ CMND của công dân để phục vụ cho việc giải quyết vụ việc. Song, thực tế có không ít nhân, tổ chức hoặc cơ quan tự ý thu giữ CMND của công dân không đúng thẩm quyền, thủ tục, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

 

Điều 10 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định các trường hợp được phép thu hồi, tạm giữ CMND của công dân như sau:

1- Chứng minh nhân dân bị thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Bị tước hoặc thôi quốc tịch Việt Nam;
b) Ra nước ngoài định cư.

2- Chứng minh nhân dân của công dân bị tạm giữ trong các trường hợp sau:
a) Có hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật phải bị tạm giữ Chứng minh nhân dân;
b) Bị tạm giam, thi hành án phạt tù tại trại giam; chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Công dân được nhận lại Chứng minh nhân dân khi chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính; hết thời hạn tạm giam, chấp hành xong án phạt tù; chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

 

Theo đó, chỉ những cơ quan dưới đây mới có thẩm quyền thu hồi, tạm giữ CMND của công dân:

  • Cơ quan Công an nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CMND có quyền thu hồi CMND đối với công dân bị tước hoặc thôi quốc tịch Việt Nam; ra nước ngoài định cư.
  • Những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính có quyền tạm giữ CMND của những công dân có hành vi vi phạm hành chính;
  • Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi công dân có hộ khẩu thường trú, cơ quan thi hành lệnh tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền tạm giữ CMND của những công dân bị tạm giam, thi hành án phạt tù tại trại giam; chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Như vậy, ngoài những trường hợp nêu trên, mọi hành vi tự ý thu hồi, tạm giữ CMND của công dân cũng như hành vi thu hồi, tạm giữ không đúng thẩm quyền đều được xem là hành vi bất hợp pháp, vi phạm quy định pháp luật. Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm đó.

 

Cần lưu ý, công dân có nghĩa vụ xuất trình CMND khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan có chức năng. Cụ thể:

  • Cán bộ, công chức và những người của các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ bảo vệ, giải quyết công việc có liên quan đến công dân được quyền yêu cầu công dân xuất trình CMND trước khi giải quyết công việc;
  • Cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân và Công an xã trong khi làm nhiệm vụ được quyền kiểm tra CMND của công dân. Việc kiểm tra có thể tổ chức thành từng đợt, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo Công an các cấp.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

10321 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;