Xác định nghĩa vụ thanh toán nợ của vợ chồng

Khi vợ chồng ly hôn, một trong những vấn đề phải giải quyết đó là xác định nghĩa vụ thanh toán nợ của từng người. Về nguyên tắc, tài sản chung sẽ thanh toán cho các nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó; một số trường hợp cụ thể như sau:

 

Thứ nhất, tiền nợ do đáp ứng nhu cầu của gia đình

- Trường hợp nợ được phát sinh liên quan đến nhu cầu thông thường của gia đình như:

  • Tiền ăn, mặc, điện, nước, đi lại thường xuyên, tiếp xúc thông tin cần thiết cho cuộc sống và công việc, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi.
  • Các chi phí cần thiết cho việc giáo dục con cái (sách vở, quần áo học sinh, học phí, học thêm…) và các chi phí cho việc nâng cao chi phí, năng lực nghề nghiệp cho vợ, chồng (rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp, trau dồi ngoại ngữ…).

==> Tài sản thực hiện nghĩa vụ sẽ được xác định như sau:

  • Nghĩa vụ do hai người cùng xác lập: tài sản dùng để thanh toán sẽ là tài sản riêng của vợ, tài sản riêng của chồng và tài sản chung của vợ, chồng (Khoản 1 Điều 37 Luật HNGĐ 2014).
  • Nghĩa vụ do một người xác lập nhưng được giao dịch hợp pháp và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình: vẫn là 3 khối tài sản đã nêu (Khoản 2 Điều 37 Luật HNGĐ 2014).

- Trường hợp nợ liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng (gia đình được hiểu theo nghĩa hẹp bao gồm vợ, chồng và con cái).

Cấp dưỡng cho các thành viên bình thường: ông, bà, cha, mẹ, anh, chị…
Cấp dưỡng cho các thành viên không bình thường: vợ, chồng, con của cuộc hôn nhân trước; con ngoài giá thú.

==> Tài sản thực hiện nghĩa vụ là tài sản riêng của người có nghĩa vụ cấp dưỡng (Khoản 1 Điều 45).

Thứ hai, tiền nợ gắn với khối tài sản

- Trường hợp nợ gắn với tài sản thừa kế riêng, tặng cho riêng ==> Tài sản thực hiện nghĩa vụ (1 khối tài sản) là tài sản riêng của người liên quan đến thừa kế, tặng cho (Luật không quy định nhưng đối chiếu với Khoản 1 Điều 43 thì tài sản thừa kế riêng, tặng cho riêng là tài sản riêng, cho nên nghĩa vụ cũng sẽ được thực hiện từ tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng).

- Trường hợp nợ phát sinh do bảo quản hoặc tu bổ tài sản riêng.

  • Bảo quản, sửa chữa tài sản riêng è Tài sản thực hiện nghĩa vụ: tài sản riêng của chủ sở hữu (Khoản 2 Điều 45), tài sản chung của vợ chồng (Khoản 2 Đìều 45, Khoản 4 Điều 37).
  • Thuế sử dụng tài sản (Thuế nhà, thuế sử dụng đất…) è Tài sản thực hiện nghĩa vụ: tài sản riêng của vợ (chồng) (Khoản 2 Điều 45), tài sản chung của vợ chồng (Khoản 4 Điều 37).
  • Tu bổ, nâng cấp tài sản è Tài sản thực hiện nghĩa vụ: tài sản riêng của chủ sở hữu (Khoản 2 Điều 45).

- Trường hợp nghĩa vụ gắn với tài sản chung ==> Tài sản để thực hiện nghĩa vụ: tài sản riêng của vợ, tài sản riêng của chồng, tài sản chung của vợ chồng (Nếu tu bổ, nâng cấp tài sản chung mà vợ, chồng tự đứng ra xác lập giao dịch è tài sản thực hiện nghĩa vụ: tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của người tự tu bổ).

Thứ ba, xác định nghĩa vụ trả nợ dựa vào thời điểm xác lập giao dịch

- Trường hợp hợp giao dịch xác lập trước khi kết hôn ==> Tài sản thực hiện nghĩa vụ: tài sản riêng của người tự đứng ra giao dịch (Khoản 1 Điều 45).

Nếu giao dịch được xác lập trước khi kết hôn nhưng khối tài sản chung được thụ hưởng lợi ích thì tài sản thực hiện nghĩa vụ sẽ bao gồm tài sản riêng của người tự đứng ra giao dịch và tài sản chung của vợ chồng.

- Trường hợp giao dịch được xác lập trong thời kỳ hôn nhân.

  • Một người xác lập, một người không đồng ý nhưng tài sản chung được hưởng lợi ==> Tài sản thực hiện nghĩa vụ:  tài sản riêng của người xác lập, tài sản chung của vợ chồng.
  • Một người xác lập, một người không đồng ý và tài sản chung không được hưởng lợi ==> Tài sản thực hiện nghĩa vụ: tài sản riêng của người xác lập.

Thứ tư, nợ phát sinh do hành vi trái pháp luật

- Hai vợ chồng thực hiện hành vi trái pháp luật ==> Tài sản thực hiện nghĩa vụ là tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ, tài sản riêng của chồng.

- Một người thực hiện hành vi trái pháp luật, người còn lại không đồng ý nhưng tài sản có được từ hành vi trái pháp luật được phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình ==> Tài sản thực hiện nghĩa vụ: tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của người thực hiện hành vi trái pháp luật.

- Một người thực hiện hành vi trái pháp luật, tài sản có được từ hành vi trái pháp luật không phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình ==>Tài sản thực hiện nghĩa vụ là tài sản riêng của người thực hiện hành vi trái pháp luật.

 

1318 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;