06 thay đổi về chế độ tập sự của viên chức từ 29/9/2020

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức với nhiều quy định mới. Dưới đây là 06 thay đổi về chế độ tập sự của viên chức từ 29/9/2020.

viên chức

06 thay đổi về chế độ tập sự của viên chức từ 29/9/2020 (Ảnh minh họa)

1. Bổ sung đối tượng thực hiện chế độ tập sự

Theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định, người được tuyển dụng vào viên chức phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng.

Tuy nhiên, không thực hiện chế độ tập sự đối với các trường hợp đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm mà thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội (nêu đứt quãng thì được cộng dồn) bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng với thời gian tập sự của chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng theo quy định.

Đặc biệt, đối với các trường hợp không thực hiện chế độ tập sự, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải cử viên chức tham gia khóa bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp viên chức trước khi bổ nhiệm (mới hoàn toàn).

Trong khi đó, tại Điều 20 Nghị định 29/2012/NĐ-CP hết hiệu lực từ ngày 29/9/2020, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định trường hợp người trúng tuyển viên chức đã có thời gian từ đủ 12 tháng trở lên thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng thì không phải tham gia tập sự (đã bị bãi bỏ).

Theo đó, từ ngày 29/9/2020, chỉ trừ trường hợp người được tuyển dụng viên chức có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì người được tuyển dụng viên chức đều phải thực hiện chế độ tập sự. Quy định mới này là phù hợp với thực tế để bảo đảm công bằng cho tất cả người được tuyển dụng vào viên chức.

2. Thời gian thực hiện chế độ tập sự

Theo khoản 2 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định thời gian tập sự cụ thể như sau:

  • 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học. Riêng đối với chức danh nghề nghiệp bác sĩ là 09 tháng;

  • 09 thảng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng;

  • 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp;

  • Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghi không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự.

Lưu ý: Trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi người được tuyển dụng vào viên chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự (mới hoàn toàn).

Theo đó, quy định mới này mang tính kế thừa nội dung tại Điều 20 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, đồng thời bổ sung quy định về trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được đồng ý thì vẫn được tính vào thời gian tập sự.

Có thể thấy, quy định mới này giúp bảo đảm tính công bằng hơn cho người tập sự vì nguyên nhân khách quan hoặc ngoài ý muốn, do ốm đau hoặc có lý do chính đáng nên không thể tham gia chế độ tập sự. Khoảng thời gian được tính trong trường hợp này là 14 ngày, đây cũng là khoảng thời gian phù hợp để vừa bảo đảm công bằng cho đối tượng được áp dụng, vừa bảo đảm được chất lượng chế độ tập sự.

3. Viên chức tập sự phải tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng

Theo khoản 3 Điều 21 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định nội dung tập sự cụ thể như sau:

  • Nắm vững quy định của pháp luật viên chức về quyền, nghĩa vụ của viên chức, những việc viên chức không được làm; nắm vững cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị sự nghiệp công lập tại công tác; nội quy, quy chế làm việc của đơn vị; chức trách, nhiệm vụ và yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng;

  • Trau dồi kiến thức và rèn luyện năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng;

  • Tập giải quyết, thực hiện các công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng.

Đặc biệt, trong thời gian thực hiện chế độ tập sự, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng viên chức phải cử viên chức tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm. Thời gian tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng được tính vào thời gian thực hiện chế độ tập sự (mới hoàn toàn).

Theo đó, nội dung tập sự tương tự quy định trước đây tại Điều 20 Nghị định 29/2012/NĐ-CP. Bên cạnh đó, quy định mới đã bổ sung viên chức tập sự phải tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm. Quy định mới này tạo điều kiện cho viên chức trau dồi kiến thức, kỹ năng cũng như nghiệp vụ chuyên môn tốt hơn trước khi được bổ nhiệm chính thức, bảo đảm chất lượng viên chức sau này.

4. Viên chức được tập sự sớm hơn 02 ngày

Tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày viên chức đến nhận việc, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ra quyết định bằng văn bản cử viên chức giữ chức danh nghề nghiệp bằng hoặc cao hơn, có năng lực, kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ để hướng dẫn người tập sự.

Trong khi đó, tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định chậm nhất sau 07 ngày làm việc, kể từ ngày viên chức đến nhận việc, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp phải cử viên chức có chức danh nghề nghiệp bằng hoặc cao hơn, có năng lực, kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng truyền đạt hướng dẫn người tập sự. Ngoài ra, không thực hiện việc cử một người hướng dẫn tập sự cho hai người tập sự trở lên trong cùng thời gian (đã bị bãi bỏ).

Theo đó, từ ngày 29/9/2020, viên chức sẽ được tập sự trong thời hạn chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày nhận việc (sớm hơn 02 ngày so với trước đây). Đồng thời, bãi bỏ quy định 01 người hướng dẫn tập sự cho 02 người tập sự trở lên trong cùng thời gian. Đây là quy định phù hợp với thực trạng hiện nay, tạo điều kiện linh động trong sắp xếp công việc cho nhân sự tại mỗi đơn vị sự nghiệp công lập.

5. Học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị tập sự được hưởng 100% lương

Tại điểm c khoản 2 Điều 23 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định người tập sự viên chức là người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân; sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyên ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, đội viên thanh niên xung phong, đội viên tri thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi tử đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ thì được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của chức danh nghề nghiệp tương ứng với trình độ đào tạo.

So với quy định tại Điều 22 Nghị định 29/2012/NĐ-CP thì quy định mới đã bổ sung đối tượng được hưởng 100% mức lương và phụ cấp trong quá trình tập sự viên chức là học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị.

6. Siết chặt quy định chấm dứt hợp đồng làm việc đối với người tập sự

Theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định người tập sự bị chấm dứt hợp đồng làm việc và hủy bỏ quyết định tuyển dụng khi không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự hoặc có hành vi vi phạm đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định người tập sự bị chấm dứt hợp đồng làm việc khi không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự hoặc bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

Theo đó, từ ngày 29/9/2020, người tập sự chỉ cần có hành vi vi phạm đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật thì đã có thể chấm dứt hợp đồng làm việc. Quy định mới này mang tính nghiêm khắc hơn nhằm bảo đảm chất lượng cả về phẩm chất đạo đức cũng như năng lực chuyên môn của viên chức mới.

Lê Vy

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1634 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;