Bộ Tư pháp ban hành điều kiện, tiêu chuẩn dự thi nâng ngạch công chức năm 2019

Mới đây, Bộ Tư Pháp đã ban hành Quyết định 1003/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức hành chính năm 2019 và thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên lên giảng viên chính của Bộ Tư pháp.

Ảnh minh họa

Theo đó, Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định này quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn dự thi nâng ngạch công chức năm 2019 của Bộ Tư pháp như sau:

1. Đối với thi nâng ngạch công chức từ nhân viên, cán sự lên chuyên viên

* Đối tượng dự thi

Công chức được xác định theo quy định tại Nghị định 06/2010/NĐ-CP và Thông tư 08/2011/TT-BNV, đang giữ ngạch nhân viên, cán sự hoặc tương đương trong các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tư pháp, có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn dự thi nâng ngạch lên chuyên viên theo quy định.

* Điều kiện dự thi

- Có khả năng đảm nhận hoặc đang làm việc ở vị trí công tác phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của ngạch chuyên viên quy định tại Thông tư 11/2014/TT-BNV và Thông tư 05/2017/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2014/TT-BNV;

- Được đánh giá, phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đang thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền;

- Có thời gian giữ ngạch nhân viên hoặc tương đương từ đủ 5 năm (60 tháng) trở lên hoặc giữ ngạch cán sự, chuyên viên cao đẳng hoặc tương đương từ đủ 3 năm (36 tháng) trở lên.

* Tiêu chuẩn dự thi

- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên hoặc bằng tốt nghiệp đại học ngành hành chính học, thạc sỹ quản lý hành chính công, tiến sỹ quản lý hành chính công;

- Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT hoặc có chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp đối với công chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số;

- Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT hoặc chứng chỉ tin học ứng dụng tương đương.

2. Đối với thi nâng ngạch công chức từ chuyên viên lên chuyên viên chính

* Đối tượng dự thi

Công chức được xác định theo quy định tại Nghị định 06/2010/NĐ-CP và Thông tư 08/2011/TT-BNV đang giữ ngạch chuyên viên hoặc tương đương trong các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tư pháp, có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính theo quy định.

* Điều kiện dự thi

- Có khả năng đảm nhận hoặc đang làm việc ở vị trí công tác phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của ngạch chuyên viên chính quy định tại Thông tư 11/2014/TT-BNV và Thông tư 05/2017/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2014/TT-BNV;

- Được đánh giá, phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đang thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền;

- Đối với công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên chính thì trong thời gian giữ ngạch chuyên viên hoặc tương đương đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng, thẩm định ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, ngành hoặc cấp tỉnh, cấp huyện mà cơ quan sử dụng công chức được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng; đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu. Cụ thể như sau:

+ Có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban soạn thảo hoặc Tổ biên tập văn bản quy phạm pháp luật mà cơ quan nơi công chức công tác được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng và đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Trường hợp tham gia xây dựng văn bản mà theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không bắt buộc cơ quan nơi công chức công tác được giao chủ trì phải thành lập Ban soạn thảo hoặc Tổ biên tập thì phải có văn bản giao nhiệm vụ chủ trì hoặc tham gia xây dựng của người có thẩm quyền;

+ Có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban chỉ đạo, Ban chủ nhiệm, Ban soạn thảo hoặc Tổ giúp việc, Tổ biên tập, Tổ biên soạn đề tài, đề án, chương trình, dự án cấp Bộ, ngành hoặc cấp tỉnh, cấp huyện mà cơ quan nơi công chức công tác được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng và đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu hoặc phê duyệt;

+ Có văn bản giao nhiệm vụ của người có thẩm quyền về việc chủ trì hoặc tham gia xây dựng báo cáo thẩm định, thẩm tra, chính lý văn bản quy phạm pháp luật, gồm: dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

- Có kinh nghiệm trong lĩnh vực hành chính, công vụ hoặc trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên chính phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó thời gian giữ ngạch chuyên viên tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng).

* Tiêu chuẩn dự thi

- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính hoặc có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị - hành chính, thạc sỹ quản lý hành chính công, tiến sỹ quản lý hành chính công;

- Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT hoặc có chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp đối với công chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số;

- Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT hoặc chứng chỉ tin học ứng dụng tương đương.

3. Đối với thi nâng ngạch công chức từ kế toán viên lên kế toán viên chính

* Đối tượng dự thi

Công chức được xác định theo quy định tại Nghị định 06/2010/NĐ-CP và Thông tư 08/2011/TT-BNV đang giữ ngạch kế toán viên trong các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tư pháp, có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn dự thi nâng ngạch lên kế toán viên chính theo quy định.

* Điều kiện dự thi

- Có khả năng đảm nhận hoặc đang làm việc ở vị trí công tác phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của ngạch kế toán viên chính quy định tại Thông tư 77/2019/TT-BTC;

- Được đánh giá, phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đang thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền;

- Trong thời gian giữ ngạch kế toán viên hoặc tương đương đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng ít nhất 01 (một) văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, ngành hoặc cấp tỉnh, cấp huyện trong lĩnh vực tài chính, kế toán; đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu, cụ thể như sau:

+ Có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban soạn thảo hoặc Tổ biên tập xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Trường hợp tham gia xây dựng văn bản mà theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không bắt buộc phải thành lập Ban soạn thảo hoặc Tổ biên tập thì phải có văn bản giao nhiệm vụ chủ trì hoặc tham gia xây dựng của người có thẩm quyền;

+ Có quyết định của người có thẩm quyền cử tham gia Ban chỉ đạo, Ban chủ nhiệm, Ban soạn thảo hoặc Tổ giúp việc, Tổ biên tập, Tổ biên soạn đề tài, đề án, chương trình, dự án cấp Bộ, ngành hoặc cấp tỉnh, cấp huyện và đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu hoặc phê duyệt.

- Có kinh nghiệm trong lĩnh vực hành chính, công vụ hoặc trong hoạt động lãnh đạo, quản lý công tác kế toán. Công chức dự thi nâng ngạch kế toán viên chính phải đang giữ ngạch kế toán viên và có thời gian giữ ngạch kế toán viên hoặc tương đương từ đủ 9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó thời gian gần nhất giữ ngạch kế toán viên tối thiểu 1 năm (đủ 12 tháng).

* Tiêu chuẩn dự thi

- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính;

- Có chứng chỉ chương trình bồi dưỡng ngạch kế toán viên chính;

- Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT hoặc có chứng chỉ bồi dưỡng tiếng dân tộc do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có thẩm quyền cấp đối với công chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số;

- Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT hoặc chứng chỉ tin học ứng dụng tương đương.

Dự kiến thời gian tổ chức thi: Tháng 7, 8 năm 2020 (trường hợp chưa hết dịch bệnh và Thủ tướng Chính phủ chưa cho phép thì có thể lùi thời gian dự kiến tổ chức thi).

Nguyễn Trinh 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
962 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;