06 quy định quan trọng đối với công chức, viên chức áp dụng từ tháng 11/2020

Trong tháng 11/2020, nhiều chính sách liên quan đến công chức, viên chức sẽ có hiệu lực thi hành. THƯ KÝ LUẬT xin tổng hợp các chính sách quan trọng và nổi bật gửi đến Quý Khách hàng và Thành viên như sau.

viên chức

06 chính sách mới đối với công chức, viên chức sẽ được áp dụng từ tháng 11/2020 (Ảnh minh họa)

1. Bổ sung thêm tiêu chí phân loại vị trí việc làm của viên chức

Cụ thể, Điều 5 Nghị định 106/2020/NĐ-CP đã bổ sung tiêu chí về phân loại vị trí việc làm của viên chức. Theo đó, từ ngày 15/11/2020 (ngày có hiệu lực của Nghị định 106) ngoài phân loại theo khối lượng công việc như trước đây, vị trí việc làm của viên chức được phân loại tính chất, nội dung công việc như sau:

Phân loại theo khối lượng công việc:

  • Vị trí việc làm do một người đảm nhận;

  • Vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận;

  • Vị trí việc làm kiêm nhiệm.

Phân loại theo tính chất, nội dung công việc:

  • Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý;

  • Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành;

  • Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung (hành chính, tổng hợp, quản trị văn phòng, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính và các vị trí việc làm không giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành của đơn vị sự nghiệp công lập);

  • Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

2. Giáo viên mầm non làm việc theo chế độ HĐLĐ sẽ được xếp lương viên chức hạng IV đến hết năm 2021 

Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 105/2020/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 01/11/2020), giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong định mức giáo viên được cấp có thẩm quyền phê duyệt ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập nếu đủ tiêu chuẩn chức danh giáo viên mầm non hạng IV (mã số V.07.02.06) trở lên thì được ký hợp đồng lao động, xếp lương ở chức danh giáo viên mầm non hạng IV (mã số V.07.02.06) đến hết năm 2021.

Bên cạnh đó, tại Điều 10 Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng nếu bảo đảm những điều kiện sau:

- Có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non theo quy định;

- Có hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục;

- Trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

 3. Giờ chuẩn giảng dạy của viên chức là giảng viên trường cao đẳng là từ 270 đến 420 giờ/năm học

Căn cứ tại Điều 3 Thông tư 36/2020/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 20/11/2020) quy định về chế độ làm việc và giảng dạy của giảng viên trường cao đẳng sư phạm và các trường cao đẳng có nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng như sau:

  • Thời gian làm việc của giảng viên trong năm học là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính);

  • Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định từ 270 đến 420 giờ chuẩn giảng dạy (tương đương từ 810 đến 1.260 giờ hành chính); trong đó, giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp (hoặc giảng dạy trực tuyến) phải đảm bảo tối thiểu 50% định mức quy định;

  • Giảng viên trong thời gian tập sự, thử việc chỉ thực hiện tối đa 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy (từ 135 đến 210 giờ chuẩn giảng dạy), đồng thời được miễn giảm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để dành thời gian tham gia dự giờ và tham gia thực tập, thực tế;

  • Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ chuẩn giảng dạy, trong đó một tiết giảng lý thuyết trình độ cao đẳng trực tiếp trên lớp (hoặc giảng dạy trực tuyến) 50 phút được tính bằng một giờ chuẩn giảng dạy. (lưu ý: Đối với các nội dung giảng dạy có tính chất đặc thù, các tiết giảng trình độ cao đẳng trực tiếp trên lớp (hoặc giảng dạy trực tuyến) trên 50 phút giao hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm quy đổi cho phù hợp)

4. Lương của giảng viên trường cao đẳng cao nhất là 11,92 triệu đồng/tháng

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 20/11/2020), chế độ tiền lương đối với viên chức là giảng viên trường cao đẳng sư phạm và các trường cao đẳng có nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng như sau:

  • Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00; (tương ứng mức lương từ hơn 9,2 đến 11,92 triệu đồng/tháng)

  • Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78; (tương ứng mức lương từ 6,5 đến hơn 10 triệu đồng/tháng)

  • Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98. (tương ứng mức lương từ 3,4 đến hơn 7,4 triệu đồng/tháng)

Như vậy, có thể thấy, mức lương của viên chức là giảng viên trường cao đẳng sư phạm và các trường cao đẳng có nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng cao nhất là 11,92 triệu đồng/tháng.

5. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh có thể có đến 10 Phó Giám đốc sở

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 107/2020/NĐ-CP thì bình quân mỗi sở có 03 Phó Giám đốc. Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc của từng sở cho phù hợp. Riêng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài tổng số lượng Phó Giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc.

Như vậy, so với Nghị định 24/2014/NĐ-CP thì Nghị định 107/2020/NĐ-CP đã tăng số lượng Phó Giám đốc sở tối đa cho hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh (tăng thêm 6 người so với trước kia). Bên cạnh đó, Nghị định mới còn xây dựng quy định bổ nhiệm một cách chặt chẽ hơn: "Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc của từng sở cho phù hợp". Điều này nhằm tránh tình trạng sở nào cũng có 03 Phó Giám đốc trong khi thực tế số lượng công việc lại không cần đến nhiều Phó Giám đốc đến vậy.

6. Chỉ còn 02 phó trưởng phòng ở cơ quan chuyên môn cấp huyện

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 108/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 25/11/2020) quy định số lượng Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện bình quân mỗi phòng có 02 Phó Trưởng phòng. Đồng thời, căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp.

Có thể thấy, so với trước đây, Nghị định 108/2020/NĐ-CP đã giảm số lượng phó phòng của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện từ 03 người xuống còn 02 người.

Ty Na

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2163 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;