Chính sách quan trọng có hiệu lực từ giữa tháng 9/2020 (11/9 - 20/9)

Từ giữa tháng 9/2020 (từ ngày 11/9 - 20/9) sẽ có các chính sách quan trọng trong lĩnh vực Bảo hiểm; Lao động; Bưu chính, viễn thông; Hành chính tư pháp;… có hiệu lực thi hành. Các chính sách cụ thể gồm có:

1. Mức hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng lao động

Nghị định 88/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc có hiệu lực từ 15/09/2020.

Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết mức hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng lao động đối với người lao động như sau:

  • Mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp: 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám;

  • Mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp: 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người;

  • Mức hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động: 50% chi phí phục hồi chức năng lao động tính theo biểu giá tại thời điểm người lao động phục hồi chức năng lao động theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không vượt quá 3 triệu đồng/người/lượt.

Lưu ý: Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.

Mức hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng lao động

Mức hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng lao động (Ảnh minh họa)

2. Quy định về mã định danh điện tử của các bộ, ngành, địa phương

Quyết định 20/2020/QĐ-TTg về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương có hiệu lực từ 15/09/2020.

Theo đó, mã định danh điện tử của các bộ, ngành, địa phương là chuỗi ký tự có độ dài tối đa là 35 ký tự và được chia thành các nhóm ký tự. Các ký tự gồm: dấu chấm (.), các chữ số từ 0 đến 9 và các chữ cái từ A đến Z (dạng viết hoa trong bảng chữ cái tiếng Ạnh). Mỗi nhóm ký tự được sử dụng để xác định các cơ quan, tổ chức tại cấp tương ứng; các nhóm ký tự được phát triển từ trái sang phải và được phân tách với nhau bởi dấu chấm.

Trong đó, nhóm ký tự thứ nhất ở vị trí ngoài cùng bên trái trong Mã định danh để xác định các cơ quan, tổ chức cấp 1 (gọi là Mã cấp 1). Các nhóm ký tự nối tiếp sau Mã cấp 1 lần lượt xác định các cơ quan, tổ chức từ cấp 2 trở đi; cơ quan, tổ chức tại một cấp nhất định trừ cấp 1 là các đơn vị thuộc, trực thuộc cơ quan, tổ chức cấp liền trước.

3. Trình tự đăng ký hộ tịch trực tuyến từ 15/9/2020

Ngày 28/07/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2020/NĐ-CP quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Trình tự đăng ký hộ tịch trực tuyến

Trình tự đăng ký hộ tịch trực tuyến từ 15/9/2020 (Ảnh minh họa)

Theo đó, trình tự đăng ký hộ tịch trực tuyến được Chính phủ quy định như sau:

Bước 1: Đăng ký tài khoản tại Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.

Bước 2: Cung cấp thông tin theo biểu mẫu điện tử tương tác, đính kèm bản chụp hoặc bản sao điện từ các giấy tờ, tài liệu theo quy định; nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến hoặc bằng cách thức khác theo quy định pháp luật và nhận mã số hồ sơ.

Bước 3: Ngay trong ngày làm việc, cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, phù hợp của hồ sơ. Nếu chưa đầy đủ thì yêu cầu người đăng ký bổ sung, nếu đầy đủ thì tiếp nhận và gửi phiếu hẹn trả kết quả.

Bước 4: Nhận kết quả đăng ký hộ tịch tại:

  • Thư điện tử, Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân đó;

  • Hệ thống bưu chính;

  • Cơ quan đăng ký hộ tịch;

  • Thiết bị số, thông qua phương pháp truyền số liệu phù hợp, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.

Thông tin chi tiết xem thêm tại Nghị định 87/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/09/2020.

4. Trạm thu phí phải công khai tổng thời gian được thu tiền trên biển điện tử

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 15/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ có hiệu lực từ 15/9/2020.

Theo đó, tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 15/2020/TT-BGTVT quy định, trong suốt quá trình thu, đơn vị thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử (biển VMS) được gắn tại khu vực nhà điều hành trạm thu phí, bao gồm: tên dự án, giá trị công trình dự án (trong trường hợp dự án chưa được quyết toán thì công bố theo mức tổng đầu tư), tổng thời gian được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước của trạm thu phí (số liệu doanh thu cập nhật chậm nhất vào ngày 10 của tháng tiếp theo), số điện thoại để tiếp nhận thông tin phản ánh.

Ngoài ra, đơn vị thu phải thông báo công khai liên tục trước 05 ngày và niêm yếu tại trạm thu phí khi bắt đầu tổ chức thu về thời điểm bắt đầu được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, địa điểm trạm thu phí, công nghệ thu, phương thức thu, đối tượng thu, mức thu và đối tượng được miễn, giảm tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

676 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;