Điểm mới trong hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng

Kể từ ngày 15/3/2017, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN với nhiều điểm mới đáng chú ý.

 

Hộ kinh doanh không thuộc đối tượng được vay vốn

Khoản 3 Điều 2 Thông tư 39 quy định: Khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (sau đây gọi là khách hàng) là pháp nhân, cá nhân, bao gồm:

  • Pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
  • Cá nhân có quốc tịch Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài.

Đây cũng là 2 chủ thể được phép tham gia quan hệ dân sự quy định tại Bộ luật dân sự 2015. Như vậy, có thể thấy rằng các đối tượng không phải là pháp nhân như hộ gia đình, tổ hợp tác hay tổ chức không có tư cách pháp nhân thì không đủ tư cách chủ thể vay vốn tại tổ chức tín dụng.

Song, nếu khách hàng vay là cá nhân có nhu cầu vay phục vụ hoạt động kinh doanh hay hoạt động khác thì có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân.

Không giới hạn mục đích vay vốn

Theo Quy chế cho vay tại Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN, khách hàng chỉ được phép vay vốn với mục đích đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đầu tư và đời sống. Tuy nhiên Thông tư 39 quy định cũng như giới hạn mục đích vay vốn mà chia nhu cầu vay vốn thành 02 nhóm:

  • Nhóm 1: Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; và
  • Nhóm 2: Cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác, trừ những nhu cầu vốn không được cho vay sau:
    • Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.
    • Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm.
    • Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.
    • Để mua vàng miếng.
    • Để trả nợ khoản nợ vay tại chính tổ chức tín dụng cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong dự toán xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
    • Để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay.

 

Thỏa thuận về lãi suất cho vay

Lãi suất cho vay theo quy định mới là lãi suất theo thỏa thuận giữa tổ chức tin dụng và khách hàng, giữa hai bên sẽ thỏa thuận về mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay.

Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó. Cụ thể:

Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa;

Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:

  • Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
  • Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;
  • Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
  • Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
  • Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.

Ngoài ra, Thông tư 39 còn bổ sung thêm quy định về nghĩa vụ trả lãi tiền vay khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận như sau:

  • Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
  • Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
  • Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Thời hạn cho vay:

Khoản 8 Điều 2 Thông tư 39 quy định: Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày tiếp theo của ngày tổ chức tín dụng giải ngân vốn vay cho khách hàng cho đến thời điểm khách hàng phải trả hết nợ gốc và lãi tiền vay theo thỏa thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng.

Nếu ngày cuối cùng của thời hạn cho vay là ngày lễ hoặc ngày nghỉ hàng tuần, thì chuyển sang ngày làm việc tiếp theo. Đối với thời hạn cho vay không đủ một ngày thì thực hiện theo quy định tại Bộ luật dân sự về thời điểm bắt đầu thời hạn.

Tùy thuộc vào loại cho vay mà có thời hạn cho vay khác nhau. Cụ thể:

  • Cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay tối đa 01 (một) năm.
  • Cho vay trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 01 (một) năm và tối đa 05 (năm) năm.
  • Cho vay dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 05 (năm) năm.

Theo quy định tại Thông tư 39, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ là một trong những điều kiện bắt buộc để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, (trừ cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay).

Hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung phải niêm yết công khai

Để đảm bảo tính khách quan trong hoạt động cho vay, Thông tư 39 quy định rõ trường hợp sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung trong giao kết thỏa thuận cho vay, TCTD phải thực hiện:

  • Niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của TCTD;
  • Cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết thỏa thuận cho vay và có xác nhận của khách hàng về việc đã được tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ thông tin.
Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1632 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;