Một số vấn đề quan trọng của Luật Biển Việt Nam

Điểm thành công của Luật Biển Việt Nam là đã chi tiết hóa được các quy định của Công ước Luật Biển 1982 thành các điều khoản để có thể áp dụng trên các vùng biển của Việt Nam. Điều đó có nghĩa là Luật Biển Việt Nam đã nội luật hóa các quy định của quốc tế để trở thành văn bản pháp luật dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng hơn trên thực tế.

Vấn đề quan trọng nhất mà Luật Biển Việt Nam "giải quyết" là đã xác định được các vùng biển và quy chế pháp lý cho từng vùng. Luật quy định rõ tàu, thuyền các nước có quyền gì, có được tự do hàng hải hay không. Từ đó áp dụng các biện pháp xử lý trong trường hợp tàu nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật.

Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều. Điều 1, Chương 1 ghi rõ Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa và các quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Chương 2 quy định về vùng biển Việt Nam với các quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, đảo, quần đảo... Các điều khoản của chương này nêu rõ chế độ pháp lý của các vùng biển.

Chương 3 quy định về hoạt động trong vùng biển Việt Nam. Trong chương này, đề cập đến 13 hành vi bị coi là gây phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh khi tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải Việt Nam (Khoản 3, Điều 23). Những hành vi này bao gồm "đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào".

Điều 37 của chương này cũng nêu rõ các quy định cấm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam như đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam; khai thác trái phép tài nguyên sinh vật, đánh bắt hải sản trái phép... Ngoài ra, khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tàu thuyền, tổ chức, cá nhân bị cấm: Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí, chất nổ, chất độc hại; mua bán người, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; phát sóng trái phép...

Để bảo đảm việc thực thi, Điều 41, Chương 3 Luật Biển quy định về quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài. Theo đó, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam nếu các tàu, thuyền này đang ở trong nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam.

Quyền truy đuổi được tiến hành sau khi lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển đã phát tín hiệu yêu cầu tàu, thuyền vi phạm hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật dừng lại để tiến hành kiểm tra nhưng tàu, thuyền đó không chấp hành. Việc truy đuổi có thể được tiếp tục ở ngoài ranh giới của lãnh hải hay vùng tiếp giáp lãnh hải Viêt Nam nếu được tiến hành liên tục, không ngắt quãng.

Ngoài ra, quyền truy đuổi cũng được áp dụng đối với hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm trong phạm vi vành đai an toàn và trên các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Việc truy đuổi của các lực lượng tuần tra, kiểm soát Việt Nam chấm dứt khi tàu, thuyền bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia khác.

Các lực lượng thực thi trách nhiệm chấp pháp được quy định tại Điều 47 Luật biển Việt Nam, theo đó, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển gồm: Các lực lượng có thẩm quyền thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, các lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành khác. Lực lượng dân quân tự vệ của các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương, lực lượng bảo vệ của tổ chức, cơ quan đóng ven biển và các lực lượng khác có trách nhiệm tham gia tuần tra, kiểm soát trên biển khi được cơ quan có thẩm quyền huy động.

Nguồn: Thùy Anh - Báo Mới

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

817 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;