Nên chọn Tòa án hay Trọng tài để giải quyết tranh chấp HĐMBHH?

Các chủ thể khi tiến hành kí kết hợp đồng mua bán hàng hoá đều có thiện chí trong việc hợp tác, làm ăn kinh doanh với nhau. Tuy nhiên, việc xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn trong quá trình thực hiện là điều không thể tránh khỏi. Vậy tranh chấp HĐMBHH là gì? Nên lựa chọn hình thức giải quyết bằng con đường Trọng tài hay Tòa án?

Lựa chọn Tòa án hay Trọng tài để giải quyết tranh chấp

Nên chọn Tòa án hay Trọng tài để giải quyết tranh chấp HĐMBHH? (Ảnh minh họa)

1. Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?

Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá có thể hiểu là những mâu thuẫn về quyền lợi và nghĩa vụ của bên bán và bên mua trong quá trình thực hiện hợp đồng. Cụ thể hơn, thì việc một trong các bên đã thực hiện hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ một hành vi nào đó được quy định trong hợp đồng làm ảnh hưởng cho bên còn lại gây thiệt hại về vật chất hoặc uy tín. Tranh chấp cũng có thể phát sinh từ các điều khoản khác trong hợp đồng như: giải thích hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm…vv.

Căn cứ để phát sinh tranh chấp là vi phạm hợp đồng, theo Khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại 2005:

“Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này”.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu như một bên có căn cứ cho rằng bên kia có hành vi vi phạm hợp đồng thì tranh chấp phát sinh và các bên phải cùng nhau giải quyết tránh ảnh hưởng đến mục đích ban đầu của giao kết là các bên đều đạt được lợi ích mong muốn.

2. Nên lựa chọn Tòa án hay Trọng tài để giải quyết tranh chấp hợp đồng?

Khi có tranh chấp phát sinh thì tất yếu phải giải quyết để không làm cản trở quá trình kinh doanh cũng như phát sinh thêm các rủi ro không đáng có này. Giải quyết tranh chấp được hiểu là xử lý những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật. Pháp luật đã dự liệu được sẽ có phát sinh tranh chấp trong quá trình các bên giao kết hợp đồng nên đã quy định các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại nói chung và hợp đồng mua bán hàng hoá nói riêng gồm bốn (04) hình thức sau đây:

  • Thương lượng: là hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế, theo đó các bên tự bàn bạc để thống nhất cách thức loại trừ tranh chấp mà không cần tới sự tác động hay giúp đỡ của người thứ ba. Phương án giải quyết mà các bên đạt được qua thương lượng được các bên thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, thương lượng chỉ thích hợp giải quyết những tranh chấp giá trị nhỏ, các bên tranh chấp có thiện chí, hiểu biết pháp luật và có nhiều kinh nghiệm tranh tụngtrên thương lượng.

  • Hòa giải: là thuyết phục các bên tranh chấp tự giải quyết tranh chấp của mình một cách ổn thỏa, việc hòa giải được tiến hành sau khi thương lượng giữa các bên đã không đạt được kết quả. Việc hòa giải thường được thông qua bên thứ ba (gọi là bên hòa giải).

  • Trọng tài: đây là phương thức giải quyết thông qua tổ chức trọng tài, kết quả là sự phán quyết của trọng tài sau khi xem xét đến tranh chấp của các bên có giá trị buộc các bên phải thi hành. Các quy định về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài do Luật trọng tài thương mại 2010 quy định.

  • Toà án: là phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của cơ quan nhà nước. Cơ quan xét xử sẽ nhân danh quyền lực nhà nước để xử lý tranh chấp phát sinh theo trình tự, thủ tục chặt chẽ. Quyết định, bản án giải quyết tranh chấp mang tính cưỡng chế thi hành cao. Giải quyết bằng Tòa án phải tuân thủ Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng Tòa án bao gồm:

    • Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa sơ thẩm gồm có khởi kiện, thụ lý vụ án, hòa giải và chuẩn bị xét xử, mở phiên tòa;

    • Thủ tục xét xử phúc thẩm nếu có kháng cáo;

    • Thủ tục xét xử lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật: bao gồm thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm.

Thực tế ở Việt Nam do thói quen, truyền thống và hệ thống pháp luật tố tụng nên tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá không thương lượng được thường sẽ giải quyết tại Toà án. Việc giải quyết tại Tòa án có những ưu điểm và nhược điểm sau:

+ Ưu điểm:

  • Tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước nên phán quyết của nó có tính cưỡng chế cao. Trường hợp các bên không chấp hành phán quyết của tòa án thì sẽ bị cưỡng chế. Bởi vậy, quyền lợi của bên thắng kiện sẽ được đảm bảo, nếu bên thua kiện có tài sản để thi hành án.

  • Tiến hành hoà giải tại Toà án cũng được các bên chú trọng, Toà án sẽ tổ chức hoà giải nếu hai bên không đạt được thoả thuận chung thì sẽ tiến hành thủ tục xét xử tại Toà án.

+ Nhược điểm:

  • Việc giải quyết tại Toà án phải tuân theo quy định thủ tục tương đối lâu có thể ảnh hưởng đến các bên trọng hoạt động kinh doanh vì yếu tố về thời gian rất quan trọng trong kinh doanh.

  • Bên cạnh đó, yếu tố giữ bí mật kinh doanh không được bảo đảm cho nên các bên cần phải cân nhắc khi thực hiện giải quyết tranh chấp vụ án kinh doanh thương mại tại Tòa án.

Xuất phát từ nhược điểm của giải quyết tranh chấp tại Toà án mà sự lựa chọn Trọng tài giải quyết đang được các doanh nghiệp để ý tới, dẫn đến số lượng tranh chấp được cơ quan trọng tài giải quyết ngày càng tăng. Việc giải quyết tại Trọng tài có những ưu điểm và nhược điểm sau:

+ Ưu điểm:

  • Thủ tục linh hoạt, đơn giản, các bên có thể chủ động về thời gian và địa điểm giải quyết tranh chấp tùy vào từng trung tâm trọng tài.

  • Đảm bảo bí mật hơn so với Tòa án.

  • Các bên có thể lựa chọn trọng tài viên giải quyết nên có thể lựa chọn được các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế về vụ việc đang diễn ra tranh chấp.

  • Phán quyết của trọng tài là phán quyết chung thẩm và không bị kháng cáo. Vì vậy, thời gian giải quyết tương đối nhanh giúp cho hoạt động kinh doanh của các chủ thể không bị gián đoạn và hạn chế tối đa tổn thất nhất có thể.

+ Nhược điểm:

  • Chi phí trọng tài thường cao hơn tòa án.

  • Hai bên nhất thiết phải có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực và có thể thực hiện được.

  • Tính cưỡng chế thi hành của trọng tài thường không cao bằng Tòa án.

  • Trong một số trường hợp, phán quyết của Trọng tài có thể bị hủy bởi quyết định của Tòa án theo Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại 2010.

Vì pháp luật đã cho phép lựa chọn cho nên các bên khi giải quyết tranh chấp nên cân nhắc đến tình hình thực tế và nhu cầu của mình để lựa chọn hình thức giải quyết phù hợp nhất. Hãy luôn cân nhắc ưu tiên hình thức giải quyết giữ được uy tín của mình, đối tác và tiết kiệm chi phí có thể tiếp tục hợp tác với nhau như mục đích ban đầu của giao kết hợp đồng. Nếu không đạt được thoả thuận chung hãy xét đến giải quyết tại các cơ quan tài phán. Ngoài việc doanh nghiệp tự tìm hiểu, thì để đảm bảo hiệu quả và an toàn hơn cả, doanh nghiệp nên hỏi ý kiến của các luật sư, chuyên gia tư vấn luật hoặc tốt nhất là trọng tài viên của một trung tâm trọng tài ở Việt Nam thì sẽ có những quyết định chính xác hơn về việc nên chọn Trọng tài thương mại hay đi theo cách truyền thống giải quyết bằng con đường Tòa án.

Cơ sở pháp lý:

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Luật Trọng tài Thương mại 2010

Luật Thương mại 2005.

Long Bình

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3132 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;