Quy định về khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Theo quy định pháp luật, người bị tạm giữ, người bị tạm giam và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

 

Theo đó, Điều 44 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định thời hiệu khiếu nại lần đầu là 30 ngày kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định, hành vi trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam mà người khiếu nại cho rằng có vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp vì ốm đau, thiên tai, đi công tác, học tập ở xa hoặc vì trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Thời hiệu lần khiếu nại tiếp theo là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền.

Những trường hợp khiếu nại về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam không được thụ lý giải quyết bao gồm:

  • Quyết định, hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
  • Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp, trừ trường hợp người khiếu nại là người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
  • Người đại diện không có giấy tờ chứng minh về việc đại diện hợp pháp của mình;
  • Thời hiệu khiếu nại đã hết;
  • Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

2. Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Theo quy định tại Điều 47 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, người khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam có các quyền sau:

  • Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại; Người khiếu nại được trực tiếp khiếu nại hoặc gửi đơn khiếu nại thông qua cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam;
  • Rút khiếu nại trong bất kỳ thời gian nào của quá trình giải quyết khiếu nại;
  • Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
  • Tiếp tục khiếu nại trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu;
  • Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, những người này phải có các nghĩa vụ:

  • Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;
  • Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1625 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;