Tất tần tật những điều phải biết về thăng hạng viên chức năm 2021

Thăng hạng viên chức không chỉ giúp viên chức nâng cao trình độ chuyên môn của mình mà còn giúp viên chức được tăng bậc lương, tăng thu nhập. Dưới đây là tất tần tật những điều phải biết về thăng hạng viên chức năm 2021.

thăng hạng viên chức

Tất tần tật những điều phải biết về thăng hạng viên chức năm 2021 (Ảnh minh họa)

1. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng viên chức

Theo Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP và Quyết định 1066/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, viên chức được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

  • Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức (trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì không thực hiện việc thăng hạng trong thời hạn 12 tháng, trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức cách chức thì không thực hiện việc thăng hạng trong thời hạn 24 tháng);

  • Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;

  • Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng; trường hợp viên chức được miễn thi môn ngoại ngữ, tin học theo quy định thì đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học của chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng;

  • Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng.

Lưu ý: Trường hợp viên chức trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc theo đúng quy định, làm việc ở vị trí việc làm có yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp (nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng tính làm căn cứ xếp lương ở chức danh nghề nghiệp hiện giữ thì được tính là tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ.

Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề so với hạng chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

2. Hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng viên chức

Theo Điều 36 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng viên chức bao gồm:

- Sơ yếu lý lịch viên chức theo quy định hiện hành được lập chậm nhất là 30 ngày trước thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, có xác nhận của cơ quan, đơn vị sử dụng viên chức.

- Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức hoặc của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập về các tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức theo quy định.

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng;

  • Trường hợp viên chức có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học theo quy định mà tương ứng với yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng thì được sử dụng thay thế chứng chỉ ngoại ngữ, tin học;

  • Trường hợp viên chức được miễn thi môn ngoại ngữ, môn tin học thì được miễn chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học;

- Các yêu cầu khác theo quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng.

3. Nội dung thi thăng hạng viên chức

Điều 39 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định hình thức, nội dung và thời gian thi thăng hạng viên chức cụ thể như sau (thang điểm 100):

Môn thi

Hình thức thi

Nội dung thi

Thời gian thi

1. Môn kiến thức chung

Thi trắc nghiệm

60 câu hỏi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật về ngành, lĩnh vực sự nghiệp, pháp luật về viên chức theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi

60 phút

2. Môn ngoại ngữ

Thi trắc nghiệm

30 câu hỏi về một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp quyết định

30 phút

3. Môn tin học

Thi trắc nghiệm

30 câu hỏi theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi

30 phút

4. Môn nghiệp vụ chuyên ngành

Đối với thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I

Thi viết đề án

 

08 tiếng

Thi bảo vệ đề án

 

Tối đa 30 phút theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi

Đối với thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II

Thi viết

 

180 phút theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi

Đối với thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng III và hạng IV

Thi viết

 

120 phút theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi

Lưu ý: Trường hợp thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp bằng hình thức thi trắc nghiệm trên máy vi tính thì không phải thi môn tin học và phải thông báo điểm thi cho viên chức dự thi được biết ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài thi trên máy vi tính. Không phúc khảo kết quả thi trắc nghiệm trên máy vi tính.

thăng hạng viên chức

Tất tần tật những điều phải biết về thăng hạng viên chức năm 2021 (Ảnh minh họa)

4. Các trường hợp được miễn thi môn ngoại ngữ, tin học

Theo khoản 6 Điều 39 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định miễn thi môn ngoại ngữ đối với các trường hợp sau:

  • Viên chức tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 05 năm công tác;

  • Viên chức có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số hoặc là người dân tộc thiểu số đang công tác ở vùng dân tộc thiểu số;

  • Viên chức có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành ngoại ngữ hoặc có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định trong tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp dự thi;

  • Viên chức có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học hoặc có bằng tốt nghiệp theo yêu cầu trình độ đào tạo so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định trong tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp dự thi học tập ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam, được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Bên cạnh đó, tại khoản 7 Điều 39 Nghị định 115/2020/NĐ-CP cũng quy định miễn thi môn tin học đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành liên quan đến tin học, công nghệ thông tin.

5. Cách tính điểm trúng tuyển trong kỳ thi thăng hạng viên chức

Theo quy định tại Điều 40 Nghị định 115/2020/NĐ-CP và Quyết định 1066/QĐ-BNV, việc xác định người trúng tuyển trong kỳ thi thăng hạng viên chức thực hiện như sau:

- Có số câu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng môn thi, trừ trường hợp miễn thi.

- Có tổng kết quả điểm bài thi môn nghiệp vụ chuyên ngành đạt từ 50 điểm trở lên, trường hợp thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I thì phải đạt từ 100 điểm trở lên (trong đó điểm bài thi viết đề án và bài thi bảo vệ đề án phải đạt từ 50 điểm trở lên) và lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp được giao.

- Trường hợp có từ 02 người trở lên có tổng kết quả điểm bài thi môn nghiệp vụ chuyên ngành bằng nhau ở chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp cuối cùng thì việc xác định người trúng tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau:

  • Viên chức là nữ;

  • Viên chức là người dân tộc thiểu số;

  • Viên chức nhiều tuổi hơn (tính theo ngày, tháng, năm sinh);

  • Viên chức có thời gian công tác nhiều hơn.

Nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp có văn bản trao đổi với người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức và quyết định người trúng tuyển theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức.

Lưu ý: Không bảo lưu kết quả cho các kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp lần sau.

6. Lệ phí thi thăng hạng viên chức

Theo Thông tư 228/2016/TT-BTC, lệ phí thi thăng hạng viên chức được quy định cụ thể như sau:

- Thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng I:

  • Dưới 50 thí sinh: 1.400.000 đồng/thí sinh/lần;

  • Từ 50 đến dưới 100 thí sinh: 1.300.000 đồng/thí sinh/lần;

  • Từ 100 thí sinh trở lên: 1.200.000 đồng/thí sinh/lần.

- Thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng II, hạng III:

  • Dưới 100 thí sinh: 700.000 đồng/thí sinh/lần;

  • Từ 100 đến dưới 500 thí sinh: 600.000 đồng/thí sinh/lần;

  • Từ 500 trở lên: 500.000 đồng/thí sinh/lần.

- Phúc khảo 150.000 đồng/bài thi.

Lê Vy

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2321 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;