Tràn ra đường để chèo kéo, vẫy khách vào quán ăn sẽ bị xử phạt thế nào?

Nạn “vẫy khách”, chèo kéo khách mua hàng đã quá quen thuộc tại các địa điểm ăn uống, quán nhậu hoặc khu du lịch. Về vấn nạn này, pháp luật hiện hành quy định xử phạt như thế nào?

chèo kéo, vẫy khách vào quán ăn, Nghị định 100/2019/NĐ-CP

Tràn ra đường để chèo kéo, vẫy khách vào quán ăn sẽ bị xử phạt thế nào? (Ảnh minh họa)

Tại các địa điểm du lịch, hàng ăn, quán nhậu trên nhiều tuyến phố thường xuyên cạnh tranh nhau bằng cách “vẫy khách”, chèo kéo khách. Những nhân viên tại các hàng quán này rất “nhiệt tình” lôi kéo người đi đường bằng cách chặn đầu xe, tự ý tắt xe, rút chìa khóa để buộc họ trở thành khách hàng bất đắc dĩ. Hơn nữa, những nhân viên tại đây còn đứng giữa lòng đường, vẫy tay mời chào, thậm chí sử dụng đèn pin rọi thẳng mặt người đi đường để gây chú ý. Không chỉ "vẫy khách ", các hàng quán ăn này còn tận dụng luôn lòng, lề đường cho khách đỗ xe tràn lan. Tình trạng này xảy ra mỗi ngày, dẫn đến ùn tắc, cản trở giao thông đường bộ.

Để hạn chế vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, căn cứ vào khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nếu cá nhân, tổ chức có một trong các hành vi vi phạm về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ đưới đây thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức:

  • Dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 6, điểm b khoản 8, điểm a khoản 9 Điều này;

  • Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 6; khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này;

  • Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 05 m2 làm nơi trông, giữ xe;

  • Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe.

Ngoài ra, đối với hành vi chèo kéo, ép buộc khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (theo điểm a khoản 1 Điều 48 Nghị định 158/2013/NĐ-CP).

Trong trường hợp việc chèo kéo, chặn đầu phương tiện của người đi đường dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng và đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì những người thực hiện hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 261, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017). Theo đó, người phạm tội sẽ chịu phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Lê Thanh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2497 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;