Từ năm 2021, người lao động bị bệnh hiểm nghèo có được nghỉ hưu sớm?

Từ ngày 01/01/2021, chính sách về tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ có nhiều thay đổi so với quy định hiện tại. Vậy, nếu người lao động bị bệnh hiểm nghèo thì có được nghỉ hưu sớm như hiện nay không?

người lao động bị bệnh hiểm nghèo có được nghỉ hưu sớm, Nghị định 135/2020/NĐ-CP

Từ năm 2021, người lao động bị bệnh hiểm nghèo có được nghỉ hưu sớm? (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, từ ngày 01/01/2021, các quy định của chế độ hưu trí gắn với điều kiện về tuổi hưởng lương hưu theo Điều 54, Điều 55, khoản 1 Điều 73 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được thực hiện theo tuổi nghỉ hưu và điều kiện về tuổi hưởng lương hưu tại Điều 169, khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 và quy định tại Nghị định này.

Theo đó, điều kiện hưởng lương hưu của người lao động từ năm 2021 được quy định như sau:

Người lao động (trừ lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn) khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ (sau năm 2021, mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ).

- Đủ 55 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 50 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ (sau năm 2021, mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ) và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021.

- Người lao động có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ (sau năm 2021, mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ) và có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò.

- Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, người lao động có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà bị suy giảm khả năng lao động thì được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu nêu trên nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ (sau năm 2021, mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ) khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%.

- Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ (sau năm 2021, mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ) khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, từ năm 2021, người lao động bị bệnh hiểm nghèo vẫn sẽ được nghỉ hưu sớm và được hưởng lương hưu nếu có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và thuộc các trường hợp sau đây:

- Không thấp hơn 55 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 50 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%.

- Không thấp hơn 50 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 45 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Cần lưu ý, sau năm 2021, mỗi năm sẽ tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam (đến năm 2028) và 04 tháng đối với lao động nữ (đến năm 2035).

Hiện nay, theo quy định của Bộ luật lao động 2012Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động bị bệnh hiểm nghèo được nghỉ hưu sớm nếu:

  • Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

  • Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81%.

Có thể thấy, giới hạn về tuổi nghỉ hưu của người lao động bị bệnh hiểm nghèo đã tăng lên so với quy định hiện hành từ năm 2021. Tuy nhiên, đối với trường hợp người lao động có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì sẽ không giới hạn về tuổi nghỉ hưu. 

Ty Na

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3629 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;