Hợp đồng không tuân thủ về hình thức vẫn có thể được công nhận

Hình thức của hợp đồng là sự biểu hiện ra bên ngoài ý chí, nội dung thỏa thuận của các bên tham gia giao kết bao gồm tổng hợp tất cả các cách thức, thủ tục, phương tiện để thể hiện và công bố ý chí xác lập, là biểu hiện cho sự tồn tại của hợp đồng. Trong một số trường hợp, pháp luật quy định bắt buộc các bên phải tuân thủ hình thức khi giao kết hợp đồng như phải lập thành văn bản; văn bản phải được có công chứng, chứng thực,…

Hợp đồng không tuân thủ về hình thức vẫn có thể được công nhận

Hợp đồng không tuân thủ về hình thức vẫn có thể được công nhận (Ảnh minh họa)

Theo quy định của pháp luật, hợp đồng dân sự có thể được thể hiện thông qua các hình thức: bằng lời nói, bằng văn bản, hoặc bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng mà pháp luật quy định phải tuân theo các hình thức nhất định thì phải tuân theo các quy định đó.

Ví như hợp đồng chuyển nhường quyền sử dụng đất được pháp luật quy định phải lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực văn bản đó. Việc vi phạm những quy định về hình thức này có thể dẫn đến hậu quả làm cho các giao dịch mà các bên đã thỏa thuận thực hiện bị tuyên vô hiệu.

Việc căn cứ vào sự vi phạm về hình thức để tuyên bố một hợp đồng nào đó vô hiệu cũng chỉ nhằm để các bên có sự thay đổi hình thức thể hiện cho đúng với quy định của pháp luật và hạn chế đến mức thấp nhất các tranh chấp có thể phát sinh sau này. Tuy nhiên đối với những hợp đồng mà các bên đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình nhưng lại không thỏa mãn điều kiện về hình thức, việc tuyên vô hiệu giao dịch sẽ dẫn đến rắc rối cho các bên trong hợp đồng, tạo ra một khoảng cách nhất định giữa việc thống nhất ý chí thực hiện giao dịch trên thực tế và hiệu lực của hợp đồng. Vô hình chung tạo điều kiên cho kẻ xấu lợi dụng điều đó để có những hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bên còn lại trong hợp đồng.

Do đó, Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định theo hướng mở, không coi việc vi phạm về mặt hình thức là yếu tố làm cho giao dịch đó bị vô hiệu tuyệt đối:

“Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”

Như vậy, vẫn có trường hợp Hợp đồng dù không tuân thủ quy định về mặt hình thức vẫn được công nhận hiệu lực khi một bên hoặc các bên có yêu cầu Tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng, và một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ hợp đồng này.

Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền). Đối tượng của nghĩ vụ là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không thực hiện, và đối tượng phải xác định được. Như vậy, theo Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 việc thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch có thể hiểu là:

- Một bên hoặc các bên trong hợp đồng đã chuyển giao ít nhất hai phần ba vật, nếu là vật cùng loại thì bên có nghĩa vụ phải thực hiện ít nhất hai phần ba số lượng so với số lượng như ban đầu các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.

- Một bên hoặc các bên trong hợp đồng đã trả ít nhất hai phần ba tiền hoặc giấy tờ có giá so với tổng tiền, tổng giấy tờ được quy định trong hợp đồng.

- Một bên hoặc các bên trong hợp đồng đã chuyển giao ít nhất hai phần ba quyền trong hợp đồng.

- Một bên hoặc các bên trong hợp đồng đã thực hiện hoặc không thực hiện ít nhất hai phần ba công việc đã thỏa thuận.

Khi đã thực hiện được “hai phần ba nghĩa vụ” như phân tích trên đây, một bên hoặc các bên trong hợp đồng có quyền thông qua con đường Tòa án để yêu cầu công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Sau khi xem xét đầy đủ các điều kiện của hợp đồng và việc thực hiện nghĩa vụ như đã nêu phía trên, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hiệu lực của Hợp đồng.

Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
5213 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;