Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con sau khi ly hôn

Sau khi ly hôn, cha hoặc mẹ không sống cùng con thì phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện hành đã có quy định cụ thể để buộc cha mẹ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con của mình.

Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con sau khi ly hôn

Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con sau khi ly hôn (Ảnh minh hoạ)

1. Cấp dưỡng là nghĩa vụ bắt buộc của cha, mẹ sau ly hôn

Theo khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡnh, trong trường hợp người đó là:

- Người chưa thành niên;

- Người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

- Người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định.

Đồng thời, tại Điều 107 Luật HNGĐ cũng quy định nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con;… và nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác, không thể chuyển giao cho người khác.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 82 Luật HNGĐ cũng quy định cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định thì Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Lưu ý tại khoản 2 Điều 81 Luật HNGĐ quy định vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Do đó, sau khi ly hôn, cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Cha, mẹ có quyền thỏa thuận với nhau về việc cấp dưỡng. Trường hợp không tự thỏa thuận được thì sẽ theo quyết định của Tòa án và buộc phải thực hiện nghĩa vụ này.

2. Có thể thay đổi yêu cầu cấp dưỡng

Theo Điều 116 Luật HNGĐ quy định mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Lưu ý khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Bên cạnh đó, theo Điều 117 Luật HNGĐ quy định việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Có thể thấy sau khi ly hôn, pháp luật hoàn toàn cho phép thay đổi về yêu cầu cấp dưỡng về mức cũng như phương thức cấp dưỡng khi gặp khó khăn và không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Pháp luật hiện hành cũng không quy định mức và phương thức cấp dưỡng cụ thể, điều này được linh động và thay đổi tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu của từng gia đình khác nhau. Tuy nhiên việc cấp dưỡng này phải bảo đảm để đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người được thụ hưởng.

3. Cha, mẹ sẽ bị phạt nếu không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

Vì cấp dưỡng là nghĩa vụ bắt buộc thực hiện của cha, mẹ sau ly hôn nên trường hợp cha, mẹ trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cụ thể:

- Phạt tiền từ 3 triệu  - 5 triệu: Theo khoản 3 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân gia đình,… quy định phạt tiền từ 3 triệu đồng - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định;

+ Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án;

+ …

- Phạt tù từ 03 tháng – 02 năm: Theo Điều 186 Bộ luật hình sự 2015 quy định tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định trên mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Cấp dưỡng là nghĩa vụ bắt buộc của cha, mẹ đối với con sau khi ly hôn để bảo đảm đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của con. Do đó, pháp luật hiện hành đã quy định khá khắc khe về chế định này để bảo vệ tối đa quyền lợi của các con và buộc cha, mẹ phải thực hiện trách nhiệm của mình.

Lê Vy

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1188 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;