Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (04/01 - 09/01/2021)

Trong tuần vừa qua (04/01 - 09/01/2021), Thư Ký Luật đã cập nhật được các văn bản quan trọng về: Thương mại, đầu tư, chứng khoán; Lao động; Tài chính; Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật;… Nội dung cụ thể như sau:

1. Chính thức có Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Chứng khoán 2019

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 155/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán 2019 .

Theo đó, các hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng được liệt kê tại Điều 10 Nghị định 155/2020/NĐ-CP:

  •  Chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng bao gồm:
    • Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để huy động thêm vốn cho tổ chức phát hành;

    • Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng thông qua thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ của tổ chức phát hành;

    • Kết hợp 02 hình thức nêu trên (quy định mới);

    • Chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng để thành lập quỹ đầu tư chứng khoán.

  • Chào bán thêm chứng khoán ra công chúng bao gồm:

    • Công ty đại chúng chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu;

    • Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán chào bán thêm chứng chỉ quỹ ra công chúng để tăng vốn điều lệ của Quỹ đầu tư.

  • Cổ đông công ty đại chúng chào bán cổ phiếu ra công chúng;

  • Tổ chức phát hành chào bán trái phiếu và các loại chứng khoán khác ra công chúng.

Chi tiết xem tại: Nghị định 155/2020/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/01/2021.

hình thức chào bán chứng khoán, Nghị định 155/2020/NĐ-CP

Chính thức có Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Chứng khoán 2019 (Ảnh minh họa)

2. Có tới 55 công việc ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của phụ nữ

Đây là quy định quan trọng tại Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động 2019 về nội dung của hợp đồng lao động, hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con.

Theo đó, Mục 1 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH liệt kê 55 công việc sau sẽ ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con của lao động nữ:

  • Trực tiếp đào giếng, thi công hoàn thiện giếng bằng phương pháp thủ công;

  • Sử dụng các loại máy cầm tay chạy bằng hơi ép có sức ép từ 4 át-mốt-phe trở lên (như máy khoan, máy búa);

  • Lái máy thi công hạng nặng có công suất lớn hơn 36 mã lực như: máy xúc, máy gạt ủi, xe bánh xích (trừ các máy có hỗ trợ thủy lực);

  • Các công việc sơn, sửa, xây, trát, vệ sinh, trang trí trên mặt ngoài các công trình cao tầng (từ tầng 3 trở lên hoặc ở độ cao trên 12m so với sàn công tác) không có máy, cẩu nâng hoặc giàn giáo kiên cố;

  • Tiếp xúc trực tiếp với sơn trong quá trình sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài, tranh sơn mài;

  • Sản xuất, chế tác, tiếp xúc trực tiếp kim loại trong quá trình làm tranh đồ họa liên quan đến khắc kim loại;

  • Xiếc (mạo hiểm, uốn dẻo, xiếc thú, đế trụ);

  • Múa rối nước;

  • Múa ba lê (ballet);

  • Trực tiếp kiểm kê, bảo quản, tu bổ, phục chế tài liệu, sách, báo, phim, ảnh trong kho lưu trữ, phòng kỹ thuật bảo quản của thư viện;

Xem chi tiết tại: Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực từ 01/01/2021.

3. Hướng dẫn về cách viết hoa trong văn bản quy phạm pháp luật

Ngày 31/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 .

Theo đó, Phụ lục VI ​ Nghị định 154/2020/NĐ-CP hướng dẫn các trường hợp viết hoa trong văn bản quy phạm pháp luật như sau:

  • Viết hoa vì phép đặt câu: 

    • Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh: sau dấu chấm câu (.); sau dấu hai chấm trong ngoặc kép (:"…"); khi xuống dòng hoặc bắt đầu đoạn;

    • Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của khoản, điểm.

  • Viết hoa tên địa lý Việt Nam:

    • Tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung (tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn) với tên riêng của đơn vị hành chính đó: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng và không dùng gạch nối. Ví dụ: thành phố Thái Nguyên, tỉnh Nam Định, tỉnh Đắk Lắk; quận Hải Châu, huyện Gia Lâm, huyện Ea H’leo, thị xã Sông Công, thị trấn Cầu Giát; phường Nguyễn Trãi, xã Ia Yeng, phường Điện Biên Phủ;

    • Trường hợp tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung kết hợp với chữ số: Viết hoa cả danh từ chung chỉ đơn vị hành chính đó. Ví dụ: Phường 15, Quận 8;

    • Trường hợp viết hoa đặc biệt: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh;

    • Tên địa lý được cấu tạo giữa danh từ chung chỉ địa hình (sông, núi, hồ, biển, cửa, bến, cầu, vũng, lạch, vàm v.v...) với danh từ riêng (có một âm tiết) trở thành tên riêng của địa danh đó: Viết hoa tất cả các chữ cái tạo nên địa danh. Ví dụ: Cửa Lò, Vũng Tàu, Lạch Trường, Vàm Cỏ, Cầu Giấy;

    • ...

Xem thêm chi tiết tại: Nghị định 154/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 01/01/2021.

Hướng dẫn về cách viết hoa trong văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 154/2020/NĐ-CP

Hướng dẫn về cách viết hoa trong văn bản quy phạm pháp luật (Ảnh minh họa)

4. Quy định điều kiện xem xét khoanh nợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 14/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn việc xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, đối tượng và điều kiện để khoanh nợ được quy định tại Điều 9 Thông tư 14/2020/TT-BKHĐT:

  • Đối tượng xem xét là DNNVV gặp rủi ro thuộc một trong các trường hợp:

    • DNNVV bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai, thảm họa, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, chiến tranh, tình trạng khẩn cấp quốc gia;

    • DNNVV gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan khác làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến không có khả năng hoặc không trả được nợ vay (gốc, lãi) theo đúng Hợp đồng đã ký;

    • DNNVV có khoản nợ xấu theo kết quả phân loại nợ được quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

  • Điều kiện xem xét:

    • Sử dụng vốn vay đúng mục đích ghi trong Hợp đồng;

    • Gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của DNNVV trong ít nhất một (01) năm liền kề trước năm phải xử lý rủi ro bị lỗ hoặc lỗ lũy kế, không trả được nợ (gốc, lãi) đầy đủ, đúng hạn theo Hợp đồng đã ký;

    • Có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này.

Ngoài khoanh nợ thì các biện pháp xử lý rủi ro khác đối với dư nợ cho vay trực tiếp của Quỹ phát triển DNVVN bao gồm: Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ/số tiền trả nợ; Gia hạn nợ vay; Xóa nợ lãi; Xóa nợ gốc; Bán nợ; Xử lý tài sản bảo đảm tiền vay và các biện pháp xử lý rủi ro khác theo quy định của pháp luật.

Chi tiết xem tại: Thông tư 14/2020/TT-BKHĐT có hiệu lực ngày 25/02/2021.

487 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;