Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (07/9 - 12/9/2020)

Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (07/9 - 12/9/2020)
Lê Hải

Trong tuần vừa qua (từ ngày 07/9 - 12/9/2020), Thư Ký Luật đã cập nhật được các văn bản quan trọng về Cán bộ, công chức, viên chức; Giáo dục và đào tạo; Lao động;… Nội dung cụ thể như sau:

1. Sẽ có thêm CBCC nữ được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn

Nghị định 104/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 53/2015/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức có hiệu lực thi hành từ ngày 04/9/2020.

Theo đó, Nghị định này đã bổ sung thêm đối tượng được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 53/2015/NĐ-CP.

Cụ thể, kể từ ngày 04/9/2020 cán bộ, công chức nữ giữ chức vụ, chức danh “Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy là người dân tộc thiểu số” sẽ được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, các chức danh “Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ” sẽ không được nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức.

2. Thêm đối tượng trẻ em mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa

Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non được ban hành ngày 08/9/2020 và có hiệu lực từ ngày 01/11/2020.

Thêm đối tượng trẻ em mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa

Thêm đối tượng trẻ em mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa (Ảnh minh họa)

Theo đó, Nghị định này đã quy định thêm đối tượng trẻ em mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa, bao gồm:

  • Trẻ em là con liệt sĩ, con Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con thương binh, con người hưởng chính sách như thương binh, con bệnh binh; con một số đối tượng chính sách khác theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có);

  • Trẻ em khuyết tật học hòa nhập;

  • Trẻ em có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định.

Nghị định này cũng quy định rõ mức hỗ tiền ăn trưa là 160.000 đồng/trẻ/tháng (cao hơn so với quy định hiện hành tại Nghị định 06/2018/NĐ-CP là 10% mức lương cơ sở tương đương 149.000 đồng/trẻ/tháng). Tuy nhiên, đối tượng là trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động trong khu công nghiệp thì mức hỗ trợ có thể cao hơn phụ thuộc vào khả năng ngân sách của từng địa phương.

3. Đã có Nghị định mới về vị trí việc làm và số lượng viên chức

Ngày 10/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, việc phân loại vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:

  • Phân loại theo khối lượng công việc:
    • Vị trí việc làm do một người đảm nhận;

    • Vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận;

    • Vị trí việc làm kiêm nhiệm.

  • Phân loại theo tính chất, nội dung công việc:
    • Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý;

    • Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành;

    • Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung (hành chính, tổng hợp, quản trị văn phòng, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính và các vị trí việc làm không giữ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành của đơn vị sự nghiệp công lập);

    • Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

Đồng thời, Nghị định này cũng quy định nguyên tắc xác định vị trí việc làm và số lượng người làm việc phải theo nguyên tắc bảo đảm cơ cấu hợp lý, trong đó, số lượng người làm việc tại các vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung chiếm tỉ lệ tối thiểu 65% tổng số lượng người làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Sửa đổi, bổ sung quy chế đánh giá học sinh THCS và THPT

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT.

Sửa đổi, bổ sung quy chế đánh giá học sinh THCS và THPT

Sửa đổi, bổ sung quy chế đánh giá học sinh THCS và THPT (Ảnh minh họa)

Theo đó, các loại kiểm tra, đánh giá đối với học sinh THCS và THPT bao gồm kiểm tra đánh giá thường xuyên và kiểm tra, đánh giá định kỳ.

Trong đó, kiểm tra, đánh giá định kì, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kì và kiểm tra, đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

Thời gian làm bài kiểm tra, đánh giá định kì bằng bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa 120 phút. Đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ được ban hành.

Chi tiết xem thêm tại: Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ 11/10/2020.

598 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;