Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (28/9 - 03/10/2020)

Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (28/9 - 03/10/2020)
Đức Thảo

Trong tuần vừa qua (từ ngày 28/9 - 03/10/2020), Thư Ký Luật đã cập nhật được các văn bản quan trọng về Giáo dục và đào tạo, Ngân hàng - Tiền tệ, Y tế - dược, Thuế,… Nội dung cụ thể như sau:

1. 05 tiêu chí quan trọng khi thẩm định tài liệu giáo dục địa phương

Ngày 15/9/2020, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 33/2020/TT-BGDĐT quy định về việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương.

tài liệu giáo dục địa phương, Thông tư 33/2020/TT-BGDĐT

05 tiêu chí quan trọng khi thẩm định tài liệu giáo dục địa phương (Ảnh minh họa)

Theo đó, tại Điều 3 Thông tư 33/2020/TT-BGDĐT quy định các tiêu chí thẩm định tài liệu giáo dục địa phương bao gồm:

  • Tiêu chí 1. Điều kiện tiên quyết của tài liệu;

  • Tiêu chí 2. Nội dung tài liệu;

  • Tiêu chí 3. Phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá trong tài liệu;

  • Tiêu chí 4. Cấu trúc và hình thức trình bày tài liệu;

  • Tiêu chí 5. Ngôn ngữ sử dụng trong tài liệu.

Trong đó, nội dung tài liệu phải đảm bảo:

  • Thể hiện đúng và đầy đủ các vấn đề về: Văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương; Địa lý, kinh tế, hướng nghiệp của địa phương; Chính trị - xã hội, môi trường của địa phương và các nội dung khác theo nội dung giáo dục địa phương quy định trong chương trình giáo dục phổ thông;

  • Bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn của địa phương;

  • Các thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa, số liệu, sự kiện, hình ảnh bảo đảm chính xác, khách quan, nhất quán và phù hợp với trình độ học sinh; các số liệu, sự kiện, hình ảnh có nguồn gốc rõ ràng;

  • ...

Xem chi tiết tại Thông tư 33/2020/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 01/11/2020.

2. Từ ngày 01/10/2020, sẽ tiếp tục giảm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ

Vừa qua, Ngân hàng nhà nước đã ban hành Quyết định 1730/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN.

Theo đó, từ ngày 01/10/2020, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế như sau:

  • Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 4,5%/năm. (Trước ngày 01/10/2020 là 5,0%/năm)

  • Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,5%/năm. (Trước ngày 01/10/2020 là 6,0%/năm)

Chi tiết xem tại Quyết định 1730/QĐ-NHNN có hiệu lực ngày  01/10/2020, thay thế Quyết định 920/QĐ-NHNN.

3. Trốn cách ly y tế có thể bị phạt đến 20 triệu đồng

Trốn cách ly y tế,

Trốn cách ly y tế có thể bị phạt đến 20 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, Nghị định 117/2020/NĐ-CP tăng mạnh mức phạt đối với hành vi vi phạm về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế kể từ ngày 28/9/2020, cụ thể sẽ phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; (Theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP chỉ phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng)

  • Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; (Theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP chỉ phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng)

  • Cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật. (Theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP chỉ phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng).

Xem thêm các mức phạt khác tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 15/11/2020.

4. Giảm 30% thuế TNDN 2020 đối với DN có tổng doanh thu không quá 200 tỷ

Đây là nội dung chính được quy định tại Nghị định 114/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Theo đó, Nghị định 114/2020/NĐ-CP quy định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

Trong đó, tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế là tổng doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định.

Đồng thời, trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đối hình thức sở hữu, hợp nhất,… trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 hoạt động không đủ 12 tháng thì:

Tổng doanh thu 2020  =  tổng doanh thu thực tế trong kỳ tính thuế TNDN 2020 (:) cho số tháng doanh nghiệp thực tế hoạt động  (x) với 12 tháng.

Chi tiết xem tại Nghị định 114/2020/NĐ-CP, có hiệu lực 03/08/2020.

639 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;