Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 20/7 - 25/7/2020)

Trong tuần vừa qua (từ ngày 20/7 - 25/7/2020), Thư Ký Luật đã cập nhật được các văn bản quan trọng về Giáo dục, Cán bộ công chức viên chức, Xây dựng,... Nội dung cụ thể như sau:

1. Ấn định thời gian nghỉ hè của giáo viên kể từ 01/9/2020

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục 2019.

Theo đó, thời gian nghỉ hè của nhà giáo được quy định cụ thể như sau:

  • Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;

  • Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 06 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;

  • Thời gian nghỉ hè hàng năm của giảng viên cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;

  • Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt, trường trung cấp và trường cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.

Ngoài thời gian nghỉ hè theo quy định trên, giáo viên, giảng viên được nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động.

Chi tiết xem tại Nghị định 84/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 01/9/2020.

Ấn định thời gian nghỉ hè của giáo viên

Ấn định thời gian nghỉ hè của giáo viên kể từ 01/9/2020 - Ảnh minh hoạ

2. Thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo là CBCCVC

Mới đây, Bộ Nội vụ đã ban hànhThông tư 3/2020/TT-BNV quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, tại Điều 4 Thông tư 3/2020/TT-BNV quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ như sau:

  • Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý;

  • Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được người có thẩm quyền giải quyết tố cáo yêu cầu hoặc đề nghị thực hiện biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong trường hợp người tố cáo đó không thuộc thẩm quyền quản lý của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo;

  • Tổ chức, đơn vị làm công tác tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện biện pháp bảo vệ vị trí công tác có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với tổ chức công đoàn, ban thanh tra nhân dân và các tổ chức khác cùng cấp trong việc thực hiện bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

Chi tiết xem tại Thông tư 3/2020/TT-BNV, có hiệu lực từ 05/9/2020.

3. 07 nội dung bắt buộc trong quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định 85/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc.

quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn

07 nội dung bắt buộc trong quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn - Ảnh minh hoạ

Theo đó, quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Quy định phạm vi tổng thể, ranh giới lập quy chế;

  • Định hướng chung về kiến trúc, cảnh quan đối với toàn điểm dân cư nông thôn;

  • Xác định yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc tại điểm dân cư nông thôn theo quy định tại khoản 3 Điều 12 của Nghị định này;

  • Quy định cụ thể tại khu vực trung tâm, dọc tuyến đường liên xã, trục đường chính, đường liên thôn, cảnh quan khu vực bảo tồn; các khu vực tập trung làng xóm, các khu vực phát triển dọc tuyến đường, tuyến sông, mặt nước;

  • Quy định đối với công trình công cộng: kiến trúc công sở, cơ sở y tế, giáo dục, công trình văn hóa, thể thao;

  • Quy định đối với công trình nhà ở: xây dựng theo các chỉ tiêu được quy định trong quy hoạch xây dựng nông thôn được phê duyệt;

  • Quy định tại các điểm đ, e, g và h khoản 3 Điều 14 của Luật Kiến trúc và điểm d khoản 1 Điều 12 của Nghị định này.

Chi tiết xem tại Nghị định 85/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 07/9/2020

4. Giáo viên vẫn tiếp tục hưởng chế độ phụ cấp thâm niên từ 10/7/2020

Mới đây, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục – Bộ Giáo dục và đào tạo đã có Công văn 977/NGCBQLGD-CSNGCB về việc trả lời chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.

Theo đó, để thực hiện phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục có ý kiến như sau:

Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được quy định tại Nghị định 54/2011/NĐ-CP, hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH, sửa đổi, bổ sung tại Thông tư liên tịch 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH.

Liên quan đến ý kiến của SGDĐT Thành phố Hồ Chí Minh cũng như một số SGDĐT trong toàn quốc, Bộ GDĐT đã có Công văn số 2446/BGDĐT ngày 6/7/2020 báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện phụ cấp thâm niên nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn cụ thể sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ).

Hiện tại, chính sách tiền lương và phụ cấp của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thực hiện theo quy định của Chính phủ; theo đó các chính sách về chế độ tiền lương (trong đó có chế độ phụ cấp thâm niên) đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành.

Chi tiết xem tại Công văn 977/NGCBQLGD-CSNGCB được ban hành ngày 10/7/2020.

479 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;