Bàn về bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính

Công dân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi quyền lợi hợp pháp của mình bị cơ quan hành chính nhà nước xâm phạm thông qua các quyết định hoặc hành vi hành chính. Vậy việc yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ được thực hiện như thế nào?

Một trong những cơ chế bồi thường thiệt hại được xem là thuận tiện và hiệu quả hiện nay đó chính là việc yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Căn cứ theo pháp luật tố tụng hành chính hiện hành (Luật Tố tụng hành chính 2015) thì việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính sẽ được chia thành hai nhóm sau:

Thứ nhất, việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ được Tòa án giải quyết đồng thời với yêu cầu xem xét tính hợp pháp của các đối tượng khiếu kiện hành chính trong cùng một vụ án hành chính. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ áp dụng các quy định của trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhà nước và quy định của pháp luật tố tụng dân sự để giải quyết.

Thứ hai, vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì Tòa án tách yêu cầu bồi thường thiệt hại ra để giải quyết thành một vụ án độc lập theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự với vụ án hành chính.

Để có thể được Tòa án chấp nhận yêu cầu bồi thường của mình, người yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh được đầy đủ 3 yếu tố sau đây:

  • Có thiệt hại trên thực tế xảy ra;
  • Có hành vi trái pháp luật;
  • Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.

Như vậy, thông qua quy định trên của luật, chúng ta có thể nhận định rằng trường hợp người yêu cầu chưa thể chứng minh được dù chỉ một trong ba yếu tố trên thì yêu cầu bồi thường thiệt hại này sẽ phải tách ra thành một vụ án độc lập với vụ án hành chính.

Bên cạnh đó, Luật Tố tụng hành chính 2015 cũng đã đưa tinh thần của Nghị quyết 02/2011 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn cho Luật Tố tụng hành chính 2010 để chi tiết hóa cho quy định liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại cùng với vụ án hành chính (thuộc nhóm thứ nhất) mà sau đó chỉ có phần quyết định liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại bị kháng cáo, kháng nghị hoặc bị Tòa cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hủy và yêu cầu giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc phúc thẩm thì việc giải quyết này vẫn tuân theo pháp luật về tố tụng hành chính. Nói cách khác, mặc dù phạm vi kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định của Tòa cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm chỉ nắm trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng nếu trước đó yêu cầu này đã được giải quyết đồng thời với vụ án hành chính thì khi xét xử lại yêu cầu này vẫn tuân theo pháp luật tố tụng hành chính.

Nguồn: Mạng pháp luật 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

883 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;