Các trường hợp xét tuyển viên chức đặc cách

Ông Nguyễn Văn Minh (mr.minh70@...) tốt nghiệp đại học chuyên ngành văn học, làm việc theo hình thức hợp đồng lao động, có đóng BHXH tại 1 trường đại học công lập được 8 năm. Nay nhà trường tổ chức tuyển dụng vào biên chế đúng vị trí công việc ông Minh đang đảm nhiệm.

Qua tìm hiểu Luật Viên chức 2010, ông Minh thấy mình thuộc đối tượng được áp dụng hình thức xét tuyển đặc cách. Nhưng theo nhà trường, trường chỉ tổ chức thi tuyển, không xét tuyển bất cứ một trường hợp nào. Ông Minh muốn biết đơn vị ông công tác thực hiện như vậy có đúng không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp trường hợp của ông Minh như sau:

Thẩm quyền tuyển dụng viên chức, quyết định tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức như sau:

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự, thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức thực hiện việc tuyển dụng viên chức; quyết định tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển.

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự, thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức thực hiện hoặc phân cấp tổ chức thực hiện việc tuyển dụng viên chức cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quyền quản lý; quyết định hoặc ủy quyền quyết định tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển.

Xét tuyển đặc cách

Theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 15/2012/TT-BNV, căn cứ nhu cầu công việc, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xét tuyển đặc cách không theo trình tự, thủ tục tuyển dụng viên chức quy định tại Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Nghị định 29/2012/NĐ-CP đối với các trường hợp sau:

- Người có kinh nghiệm công tác hiện đang công tác trong ngành hoặc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cần tuyển; có thời gian liên tục từ đủ 36 tháng trở lên thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển (không kể thời gian tập sự, thử việc); trong thời gian công tác không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.

- Người tốt nghiệp đại học loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước và ngoài nước, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng; trường hợp sau khi tốt nghiệp đã có thời gian công tác thì phải công tác trong ngành hoặc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cần tuyển, trong thời gian công tác không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian này.

- Người có tài năng, năng khiếu đặc biệt, có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu, kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng của đơn vị sự nghiệp công lập trong các ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, các ngành nghề truyền thống.

Vấn đề ông Nguyễn Văn Minh hỏi: Theo quy định tại Điều 23 Luật Viên chức 2010, việc tuyển dụng viên chức được thực hiện theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Người có thẩm quyền tuyển dụng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP quyết định việc tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển.

Người có thẩm quyền tuyển dụng căn cứ vào điều kiện đăng ký dự tuyển quy định tai Điều 22 Luật Viên chức (trong đó có điều kiện bổ sung của đơn vị sự nghiệp công lập được cơ quan chủ quản phê duyệt); yêu cầu của đơn vị sự nghiệp công lập đối với vị trí việc làm cần tuyển dụng, chỉ tiêu biên chế hạng (ngạch) viên chức đối với vị trí tuyển dụng… để quyết định hình thức tuyển dụng là thi tuyển, hoặc xét tuyển, xét tuyển đặc cách.

Trường hợp người có thẩm quyền ra quyết định hình thức tuyển dụng là xét tuyển đặc cách, thì áp dụng quy định về xét tuyển đặc cách tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 15/2012/TT-BNV để giải quyết.

Theo khoản 3 Điều 8 Thông tư số 15/2012/TT-BNV, người được xét tuyển đặc cách được Hội đồng kiểm tra sát hạch đặc cách kiểm tra về các điều kiện, tiêu chuẩn, văn bằng, chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm cần tuyển và các yêu cầu mang tính đặc thù của đơn vị sự nghiệp; Sát hạch thông qua phỏng vấn hoặc thực hành về trình độ hiểu biết chung, về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của người được xét tuyển đặc cách.

Hình thức và nội dung sát hạch do Hội đồng kiểm tra, sát hạch căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức xem xét, quyết định trước khi tổ chức sát hạch.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

303 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;