Chia tay đòi lại quà, các cặp đôi coi chừng phạm luật!

“Chia tay đòi quà” – những từ này nghe có thể thật buồn cười nhưng vấn đề này hiện nay không phải là không phổ biến trong giới trẻ. Lúc yêu say đắm thì tặng quà không nương tay, cho rằng đó đơn thuần chỉ là cách thể hiện tình cảm đối với người yêu, nhưng khi mối quan hệ đổ vỡ thì đã không ít chàng trai, cô gái tìm mọi cách để lấy lại những gì mình đã tặng cho đối phương.

Mới đây nhất, theo Báo Tuổi trẻ đưa tin, Công an quận Thủ Đức, TP.HCM đã lập hồ sơ điều tra vụ "chia tay đòi quà" có dấu hiệu cướp tài sản xảy ra ở phường Bình Chiểu sáng 21-3.

Theo thông tin ban đầu, giữa năm 2018, chị Tr. (28 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang, tạm trú quận Thủ Đức) và T. (28 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, tạm trú tỉnh Bình Dương) có mối quan hệ yêu đương. Trong thời gian quen nhau, T. có mua cho chị Tr. chiếc điện thoại di động và xe máy.

Sau đó, hai người phát sinh mâu thuẫn và chia tay. Thấy chị Tr. muốn chấm dứt mối quan hệ nên T. đòi lại chiếc điện thoại di động và xe máy đã mua cho Tr.

Đến sáng 21/3/2019, T. đi cùng với nhiều người khác đến nhà trọ chị Tr. đánh chị Tr. và lấy lại điện thoại di động và xe máy. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Sau vụ việc này, nhiều người cũng đặt ra vấn đề, vậy sau khi chia tay đòi lại quà có bị coi là hành vi vi phạm pháp luật hay không?

Như chúng ta đã biết, khi các cặp đôi yêu nhau, việc tặng quà cho nhau là điều bình thường, nhỏ thì dây chuyền, quần áo, lớn thì nhà cửa, xe cộ… Và tất nhiên, khi đã tặng rồi thì những món quà đó sẽ thuộc về sở hữu của người được tăng, dù chia tay hay không chia tay thì đối phương cũng không có quyền lấy lại tài sản dưới bất kì hình thức nào.

Vấn đề tiếp theo đặt ra là làm sao để chứng minh được đó là tài sản do một bên tự nguyện tặng cho bên kia? Vì thực tế, khi đang yêu, việc tặng quà qua lại cho nhau không ai lại viết biên nhận hay hợp đồng nên khi chia tay để chứng minh đây là tài sản tặng cho hay vay mượn là rất khó.

Đối với những món quà là động sản không phải đăng ký thì theo quy định tại Điều 458 Bộ luật Dân sự 2015, quyền sở hữu sẽ chuyển giao cho bên nhận ngay khi bên tặng cho chuyển giao tài sản cho bên kia. Việc chứng minh đây có phải là quà tặng hay không sẽ dựa vào tin nhắn thể hiện ý chí giữa hai người hoặc sẽ thông qua lời khai của những người liên quan, người làm chứng như bạn bè của 2 người…

Điều 458. Tặng cho động sản

1. Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

...

 

Còn đối với những món quà là bất động sản hoặc động sản buộc phải đăng ký như nhà cửa, xe cộ… thì theo quy định tại Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015, quyền sở hữu chỉ xác lập khi việc tặng cho được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc đã đăng ký, sang tên. Vì vậy, nếu tặng nhưng chưa đăng kí, sang tên thì đó vẫn là tài sản thuộc quyền sở hữu của người tặng.

Điều 459. Tặng cho bất động sản

1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

 

Tuy nhiên, nếu bên được tặng có các chứng cứ chứng minh ý chí tặng cho của bên kia khi tặng cho mình như tin nhắn hoặc có người làm chứng việc tặng cho này thì vẫn có thể xem xét xác định đó là tài sản đã tặng.

Qua đó có thể thấy, nếu việc tặng quà giữa 2 bên có thể chứng minh được ý chí tặng cho ngay từ đầu thì việc cưỡng chế đòi lại quà trong trường hợp này là vi phạm pháp luật, là xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác và có thể sẽ bị xử lý. Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 164 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 164. Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

2. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

- Nguyễn Trinh - 

1855 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;