Có phải lúc nào chủ sở hữu cũng đòi lại được tài sản bị trộm?

Có phải lúc nào chủ sở hữu cũng đòi lại được tài sản bị trộm?
Duy Thịnh

Bạn bị trộm cắp tài sản và một thời gian sau bạn phát hiện người khác đang chiếm hữu tài sản đó, liệu rằng bạn có đòi lại được tài sản mà bạn bị trộm cắp hay không? Có phải trong mọi trường hợp, bạn đều có quyền yêu cầu người chiếm hữu trả lại tài sản cho bạn? Những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

 

Dựa vào chủ thế đang chiếm hữu tài sản, việc đòi lại tài sản đã bị trộm cắp sẽ xảy ra 3 trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: người chiếm hữu tài sản là người trộm cắp tài sản

Khoản 1 Điều 166 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) quy định: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”.

Mặt khác, Điều 165 BLDS 2015 quy định các trường hợp được coi là chiếm hữu có căn cứ pháp luật như sau:

“1. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:

a) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;

b) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;

c) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;

d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

e) Trường hợp khác do pháp luật quy định.

2. Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.”

Trộm cắp tài sản là hành vi trái pháp luật, tùy theo giá trị của tài sản (trên hoặc dưới 2 triệu đồng) người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chỉ có thể chịu trách nhiệm hành chính, do đó việc chiếm hữu tài sản từ hành vi trộm cắp sẽ được coi là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Nếu tài sản của bạn đang bị chiếm hữu bởi người trộm cắp, bạn hoàn toàn có quyền đòi lại tài sản nếu có đủ căn cứ chứng minh đó là tài sản của bạn và việc trả lại tài sản sẽ được căn cứ vào quyết định của Tòa án hoặc cơ quan công an có trách nhiệm thu hồi tài sản và trả lại cho bạn.

Tòa án sẽ tuyên trả lại tài sản khi xét xử vụ án về tội trộm cắp tài sản, ngoài ra bạn có thể yêu cầu đòi bồi thường trong trường hợp tài sản của bạn bị hư hỏng, thiệt hại trong thời gian người trộm cắp chiếm hữu theo Điều 170 BLDS 2015.

Trường hợp 2: người chiếm hữu tài sản là người thứ ba không ngay tình

Điều 181 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Chiếm hữu không ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”.

Giả sử người thứ ba quyết định mua một chiếc xe máy mà không có giấy tờ xe, người này biết và buộc phải biết xe máy là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu nhưng vẫn cố tình mua, do đó trường hợp này được xem là chiếm hữu không ngay tình và việc chiếm hữu là không có căn cứ pháp luật. Tương tự, căn cứ theo Điều 165, Khoản 1 Điều 166 BLDS 2015 đã nêu ở trên, chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản đã bị trộm mất mà người thứ ba không ngay tình đang chiếm hữu.

Đến đây, hẳn có bạn sẽ đặt ra câu hỏi vậy đối với trường hợp người thứ ba chiếm hữu tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì sẽ giải quyết như thế nào? Câu trả lời sẽ rơi vào trường hợp thứ ba dưới đây.

Trường hợp 3: người chiếm hữu tài sản là người thứ ba ngay tình

Việc xác định chủ sở hữu có quyền đòi lại được tài sản hay không phải căn cứ vào việc chiếm hữu tài sản là có căn cứ pháp luật hay không, nếu việc chiếm hữu không có căn cứ pháp luật thì chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản.

Đối với trường hợp người thứ ba có được tài sản (bị trộm cắp) thông qua giao dịch dân sự hợp pháp thì người thứ ba được coi là ngay tình và việc chiếm hữu tài sản là có căn cứ pháp luật theo Điểm c Khoản 1 Điều 165 BLDS 2015.

Tuy nhiên, quy định của pháp luật hiện nay nghiêng về việc bảo vệ chủ sở hữu của tài sản. Theo đó, Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người thứ ba ngay tình nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu, căn cứ theo  Điều 167 BLDS 2015.

Tương tự, chủ sở hữu cũng sẽ có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình đối với động sản phải đăng ký quyền sở hữu (Điều 168 BLDS 2015). Trường hợp duy nhất mà chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình đó là quy định tại Khoản 2, 3 Điều 133 BLDS 2015; theo đó, trường hợp người thứ ba có được động sản vì căn cứ vào việc cho rằng động sản đó đã được đăng ký quyền sở hữu để thực hiện và xác lập giao dịch thì chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản. Nhưng chủ sở hữu vẫn có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

Như vậy, hầu như trong mọi trường hợp nếu tài sản của bạn bị trộm cắp, bạn hoàn toàn có quyền đòi lại tài sản của mình, không kể tài sản đó đang được người khác chiếm hữu thông qua giao dịch hợp pháp hay không hợp pháp; ngoại lệ chỉ có trường hợp thuộc Khoản 2 Điều 133 BLDS 2015 thì chủ sở hữu sẽ không có quyền đòi lại tài sản.

4262 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;