Đang ly thân, làm đám cưới với người khác có vi phạm pháp luật?

Bạn đọc có email tthaianxxx@gmail.com đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Vợ chồng em trai của tôi đã đăng ký kết hôn, có 1 con chung. Hai người đã ly thân 2 năm và chưa ly hôn. Tuy nhiên, em dâu tôi đã làm đám cưới với 1 người khác, như vậy em dâu tôi và người chồng mới có phạm luật hôn nhân không? Em dâu tôi được quyền nuôi con không?

Luật sư Nguyễn Hữu Học - Giám đốc Cty Luật TNHH TDH, Đoàn Luật sư TPHCM - trả lời: Khoản 14, điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Do vợ chồng em bạn chưa ly hôn, nên vẫn đang ở trong thời kỳ hôn nhân (là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân) theo quy định tại khoản 13, điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Có nghĩa là 2 người vẫn được pháp luật công nhận là vợ chồng, dù thực tế có ly thân. Điểm c, khoản 2, điều 5, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về các hành vi bị cấm: Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Như vậy, để xác định em dâu của bạn có vi phạm điều cấm của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 hay không, thì phải xem xét xem em dâu bạn có chung sống như vợ chồng với người đã làm đám cưới kia không. Bởi về khía cạnh pháp luật, việc 2 người làm đám cưới không đồng nghĩa với việc 2 người được thừa nhận là vợ chồng.

Điều 81, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: 1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho 1 bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Như vậy, ai được quyền nuôi con còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác, như độ tuổi của con, sự thoả thuận của 2 bên, trường hợp không thoả thuận được thì toà án sẽ quyết định căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.

Theo Báo Lao Động

346 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;