Giải đáp một số tình huống vướng mắc về thuế Thu nhập cá nhân

Dưới đây là phần tổng hợp những vướng mắc thường gặp khi thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân do Cục thuế Hà Nội biên soạn.

 

Câu hỏi 1: Bố mẹ đẻ tặng cho con bất động sản và tiền mặt có phải nộp thuế TNCN hay các khoản thuế khác không?

Trả lời: (Trích yếu tại Công văn 6277/CT-TTHT của Cục Thuế TP Hà Nội ngày 08/02/2018)

- Căn cứ Điều 3, Điều 4 Luật thuế TNCN 04/2007/QH12

Cá nhân có thu nhập từ quà tặng là bất động sản giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ thì được miễn thuế TNCN quy định tại Điều 4 Luật thuế TNCN.

Các khoản quà tặng là tiền mặt thì không thuộc các khoản thu nhập chịu thuế TNCN.

Câu hỏi 2: Chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với việc ủy quyền quyết toán thuế TNCN?

Trả lời: (Trích yếu tại Công văn số 4885/CT-TTHT của Cục Thuế TP Hà Nội ngày 30/01/2018)

- Căn cứ Khoản 2 Điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính quy định về khai và quyết toán thuế

- Căn cứ Điều 12 Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 2, Điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC

Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ khai thuế tiếp theo, trừ các trường hợp nêu tại Điều 12 Thông tư 151/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế tại nguồn theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này và được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay.

Trường hợp người lao động đang làm việc tại Công ty có thêm thu nhập vãng lai ở các nơi khác mà những đơn vị này không kê khai và khấu trừ thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập chi trả cho cá nhân đó thì cá nhân không được ủy quyền cho Công ty quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay cho cá nhân.

Câu hỏi 3: Khoản phụ cấp điện thoại cho người lao động chi bằng tiền có tính vào TNCT TNCN không?

Trả lời: (Trích yếu tại Công văn 4875/CT-TTHT của Cục Thuế TP Hà Nội ngày 30/01/2018)

- Căn cứ điểm đ Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân hướng dẫn các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công;

- Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp, sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài hướng dẫn các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty chi tiền điện thoại cho người lao động nếu được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong số các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thì khoản chi này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.

Trường hợp Công ty chi tiền điện thoại cho người lao động cao hơn mức khoán chi quy định thì phần chi cao hơn mức khoán chi quy định phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.

Câu hỏi 4: Công ty và người lao động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động (từ 03 tháng trở lên), công ty thực hiện trả lương và các khoản hỗ trợ, trợ cấp cho người lao động thì có phải tính thuế TNCN không?

Trả lời: (Trích yếu tại Công văn 5552/CT-TTHT của Cục Thuế TP Hà Nội ngày 02/02/2018)

- Căn cứ khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 ngày 18/6/2012 của Quốc hội quy định trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động do hai bên thỏa thuận.

- Căn cứ Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân:

+ Tại Khoản 2 Điều 2 quy định về các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công

+ Tại Điều 25 quy định về khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế

- Đối với các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật lao động và Luật bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng không chịu thuế TNCN.

- Đối với các khoản tiền lương, tiền công, tiền phụ cấp, trợ cấp chịu thuế TNCN, Công ty thực hiện khấu trừ theo biểu lũy tiến từng phần.

- Đối với khoản hỗ trợ tài chính mà Công ty trả thêm cho người lao động (ngoài quy định của Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội) sau khi đã chấm dứt hợp đồng lao động, nếu khoản chi này từ hai triệu (2.000.000) đồng trở lên thì Công ty thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% trước khi chi trả.

Câu hỏi 5: Tổ chức A (tại Anh) có chi nhánh tại Việt Nam là Tổ chức A Việt Nam. Tổ chức A thành lập Công ty B (Anh) để thực hiện các hoạt động kinh doanh. Tại Việt Nam, Công ty B thành lập Công ty B Việt Nam. Người lao động được điều chuyển từ Tổ chức A Việt Nam sang Công ty B Việt Nam làm việc trong năm 2017 có được ủy quyền cho Công ty B Việt Nam quyết toán thuế TNCN không?

Trả lời: (Trích yếu tại Công văn 6663/CT-TTHT của Cục Thuế TP Hà Nội ngày 12/02/2018)

- Căn cứ khoản 1 và khoản 3 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài chính

- Căn cứ khoản 1 mục II Công văn 801/TCT-TNCN ngày 02/03/2016 của Tổng cục Thuế về việc hướng dẫn quyết toán thuế TNCN năm 2015 và cấp mã số thuế NPT hướng dẫn hình thức quyết toán thuế TNCN

Căn cứ các quy định trên, trường hợp tháng 04/2017, các cá nhân được điều chuyển từ Tổ chức A Việt Nam sang Công ty B Việt Nam (đều thuộc Tổ chức A (tại Anh), đáp ứng điều chuyển giữa các tổ chức trong cùng hệ thống thì các cá nhân này được phép ủy quyền quyết toán thuế TNCN năm 2017 cho Công ty B Việt Nam đối với cả phần thu nhập nhận được từ Tổ chức A Việt Nam nếu thuộc đối tượng được ủy quyền.

Câu hỏi 6: Cá nhân thay đổi từ chứng minh thư sang thẻ căn cước có phải thông báo với cơ quan thuế không? Thời hạn thông báo?

Trả lời: (Trích yếu tại Công văn 3662/CT-TTHT của Cục Thuế TP Hà Nội ngày 23/01/2018)

- Căn cứ Điều 12 Thông tư 95/2016/TT-BTC ngày 28/06/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế, quy định về trách nhiệm, thời hạn và địa điểm nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế của người nộp thuế

- Căn cứ Điều 1 Thông tư 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế

- Căn cứ hướng dẫn tại Công văn 4534/TCT-KK ngày 30/09/2016 của Tổng cục Thuế hướng dẫn xác định thời điểm phát sinh thay đổi thông tin đăng ký thuế của hộ gia đình, cá nhân

1. Về việc thay đổi thông tin đăng ký thuế:

Trường hợp người nộp thuế là cá nhân có phát sinh thay đổi thông tin về Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân dẫn đến thay đổi thông tin đăng ký thuế thì ngày phát sinh thay đổi để xác định thời hạn nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp là ngày ghi trên Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân cộng thêm số ngày cụ thể như sau:

- Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại.

- Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp cấp mới, đổi, cấp lại.

- Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp cấp mới, đổi, cấp lại.

2. Về xử phạt vi phạm hành chính về thuế:

Người nộp thuế có hành vi chậm thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế so với thời hạn quy định không phân biệt cố ý hoặc vô ý đều bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của Luật quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.

Câu hỏi 7: Có được giảm trừ gia cảnh cho mẹ ngoài độ tuổi lao động không có thu nhập và con đang theo học cao học tại Mỹ không?

Trả lời: (Trích yếu tại Công văn 5976/CT-TTHT của Cục Thuế TP Hà Nội ngày 06/02/2018)

- Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính

+ Tại khoản 2 Điều 8 hướng dẫn thời điểm xác định thu nhập chịu thuế;

+ Tại Khoản 1 Điều 9 hướng dẫn về giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

Căn cứ hướng dẫn nêu trên, cá nhân có mẹ đẻ ngoài độ tuổi lao động, không có thu nhập và con đẻ đang theo học bậc trên đại học tại nước ngoài thì chỉ được tính giảm trừ gia cảnh cho mẹ đẻ.

Câu hỏi 8: Công ty có chi trả khoản tiền mua vé máy bay cho NLĐ là người nước ngoài về phép mỗi năm một lần thì căn cứ nào để xác định khoản tiền mua vé này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN?

Trả lời: (Trích yếu tại Công văn 6682/CT-TTHT của Cục Thuế TP Hà Nội ngày 12/02/2018)

- Căn cứ Tiết g.6 Điểm g Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính

Căn cứ hướng dẫn trên,  trường hợp Công ty có chi trả khoản tiền mua vé máy bay cho người lao động là người nước ngoài về phép mỗi năm một lần (đến quốc gia người nước ngoài mang quốc tịch hoặc quốc gia nơi gia đình người nước ngoài sinh sống và ngược lại) thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN, căn cứ xác định khoản tiền mua vé máy bay là hợp đồng lao động và khoản tiền thanh toán vé máy bay từ Việt Nam đến quốc gia người nước ngoài mang quốc tịch hoặc quốc gia nơi gia đình người nước ngoài sinh sống và ngược lại.

Câu hỏi 9: Ban Quản lý chương trình (QLCT) có khoản chi công tác phí, ăn ở, đi lại cho cán bộ trong và ngoài Ban bằng tiền viện trợ không hoàn lại thì có phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN không?

Trả lời: (Trích yếu tại Công văn 6679/CT-TTHT của Cục Thuế TP Hà Nội ngày 12/02/2018)

- Căn cứ Điều 7 Thông tư 181/2013/TT-BTC ngày 3/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và ưu đãi thuế đối với các chương trình, dự án viện trợ sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ hướng dẫn về chính sách thuế đối với cá nhân làm việc cho dự án

- Căn cứ Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính

+ Tại Khoản 2 Điều 2 quy định về thu nhập chịu thuế

+ Tại Điểm i Khoản 1 Điều 25 quy định về khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế

+ Tại Khoản 1 Điều 18 quy định thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú

- Căn cứ Điều 1, Điều 2 Thông tư 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 của Bộ Tài chính quy định về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

- Căn cứ Khoản 2 Điều 12 Thông tư 225/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Ban QLCT có khoản chi công tác phí, ăn ở, đi lại cho cán bộ trong và ngoài Ban QLCT bằng khoản tiền viện trợ không hoàn lại thì:

- Nếu chi đúng định mức chi của nhà tài trợ thì khoản chi công tác phí này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập của cá nhân.

- Trường hợp chi công tác phí cao hơn định mức của nhà tài trợ thì phần chi vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN. Cụ thể:

+ Trường hợp người lao động ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên: phần chi vượt quy định phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công theo biểu lũy tiến từng phần theo quy định.

+ Trường hợp không phải là người lao động ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên: Tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của người lao động đối với khoản tiền công tác phí, ăn ở, đi lại. Khi trả thu nhập phải thực hiện khấu trừ thuế theo mức 10% đối với các khoản chi từ hai triệu  (2.000.000) đồng/lần trở lên. Nếu cá nhân không cư trú khấu trừ 20% theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Câu hỏi 10: Lương hưu có phải nộp thuế TNCN không?

Trả lời: (Trích yếu tại Công văn 2231/CT-TTHT của Cục Thuế TP Hà Nội ngày 16/01/2018)

- Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC;

Thu nhập từ lương hưu là khoản thu nhập được miễn thuế.

Câu hỏi 11: Công ty thực hiện chương trình chiết khấu thương mại (giảm trừ trực tiếp trên hóa đơn), không phải là hoa hồng đại lý hoặc thưởng khuyến mãi theo quy định tại Điều 92 và Điều 171 Luật thương mại thì có phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN đối với khoản chiết khấu này không?

Trả lời: (Trích yếu tại Công văn 6676/CT-TTHT của Cục Thuế TP Hà Nội ngày 12/02/2018)

- Căn cứ Luật thương mại 36/2005/QH11

- Căn cứ khoản 6, khoản 10 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC,

Khoản chiết khấu thương mại nói trên không thuộc các khoản thu nhập chịu thuế TNCN. Công ty không phải khấu trừ thuế TNCN khi thực hiện khoản chiết khấu này.

Câu hỏi 12: Viện Khảo cổ học đang thực hiện đề tài khoa học và công nghệ “Lịch sử Việt Nam – Tập I (thời Nguyên thủy)” thuộc Đề án cấp quốc gia “Nghiên cứu, biên soạn bộ lịch sử Việt Nam”. Cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ trên không chỉ thuộc Viện Khảo cổ học mà còn từ các tổ chức khác như Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hà Nội; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM; Viện địa chất; Viện KHXH vùng Nam Bộ…. thì thu nhập từ tham gia thực hiện nhiệm vụ của các cá nhân này có phải chịu thuế TNCN?

Trả lời: (Trích yếu tại Công văn 69017/CT-TTHT của Cục Thuế TP Hà Nội ngày 24/10/2017)

- Căn cứ Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công.

Căn cứ các quy định trên, nếu Viện thực hiện Đề án “Nghiên cứu khu di tích bảo tổn khảo cổ học Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa”;  đề tài khoa học “Lịch sử Việt Nam – Tập I (thời Nguyên thủy)” là đề án cấp quốc gia, nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN đối với các khoản thu nhập mà các thành viên là cá nhân nhận được khi tham gia thực hiện đề án. Các thành viên tham gia thực hiện Đề án là các cá nhân có tên trong danh sách thực hiện Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Câu hỏi 13: Vợ chồng bà A muốn chuyển nhượng nhà ở và quyển sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích là 100 m2, theo trình bày là nhà ở, quyền sử dụng đất duy nhất của vợ chồng Bà. Nay, vợ chồng Bà chuyển toàn bộ diện tích đất thuộc thửa đất cho 3 cá nhân khác nhau và đã được Văn phòng đăng ký đất đai – Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội chấp nhận, đồng ý tách thửa. Hỏi trường hợp chuyển nhượng của vợ chồng bà A có thuộc diện miễn thuế TNCN do chuyển nhượng nhà ở, đất ở duy nhất hay không?

Trả lời: (Trích yếu tại Công văn 66621/CT-TTHT của Cục Thuế TP Hà Nội ngày 10/10/2017)

- Căn cứ Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính

- Căn cứ khoản 1 Điều 12 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung tiết b.1.2 điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Căn cứ các quy định trên, trường hợp vợ chồng bà A ký 03 (ba) hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích là 100 m2 (theo trình bày là nhà ở, quyền sử dụng đất duy nhất của vợ chồng Bà) cho 03 (ba) cá nhân khác nhau (chia mảnh đất thành 3 phần) thì không được miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở duy nhất.

Câu hỏi 14: Công ty A có các nhân viên người Hàn Quốc sang làm việc tại Việt Nam theo thư bổ nhiệm của Công ty mẹ tại Hàn Quốc. Từ tháng 01 đến hết tháng 04/2017, các nhân viên người Hàn Quốc này nhận lương, đóng các khoản thuế, bảo hiểm theo quy định của pháp luật Hàn Quốc. Từ 01/5/2017 đến nay, các nhân viên được trả lương tại Việt Nam, đóng BHYT, thuế TNCN theo quy định của pháp luật Việt Nam và không nhận bất kỳ thu nhập nào tại Hàn Quốc. Hỏi thủ tục quyết toán thuế TNCN cho các nhân viên người Hàn Quốc này như thế nào?

Trả lời:

- Căn cứ Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013

+ Tại Điều 1 quy định về người nộp thuế

+ Tại Khoản 1 Điều 6 quy định về kỳ tính thuế đối với cá nhân cư trú

+ Tại Điểm e.1 Khoản 2 Điều 26 quy định khai thuế đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh

- Căn cứ Khoản 4 Điều 44 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ hướng dẫn thủ tục khấu trừ thuế nước ngoài phải nộp tại Việt Nam

Căn cứ vào các quy định trên, trường hợp Công ty A có các nhân viên người Hàn Quốc sang Việt Nam làm việc theo thư bổ nhiệm của công ty mẹ tại Hàn Quốc từ ngày 01/3/2017 (có mặt tại Việt Nam trên 183 ngày trong năm 2017) thì các nhân viên người Hàn Quốc này là cá nhân cư trú tại Việt Nam trong năm 2017 theo quy định của Luật thuế TNCN; thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính.

Trường hợp, các cá nhân cư trú người nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Nhật Bản, cơ quan chi trả ở Nhật Bản đã khấu trừ thuế TNCN thì được trừ số thuế TNCN đã nộp ở Nhật Bản theo quy định tại Điểm e.1 Khoản 2 Điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính và thực hiện khấu trừ thuế nước ngoài phải nộp tại Việt Nam theo quy định Khoản 4 Điều 44 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.

Về việc quyết toán thuế TNCN 2017, Cục Thuế TP Hà Nội đã có Công văn 5749/CT-TNCN ngày 05/2/2018 về việc quyết toán thuế TNCN năm 2017 và cấp MST NPT. Đề nghị Công ty nghiên cứu thực hiện.

Câu hỏi 15: Nội dung trên chứng từ khấu trừ thuế TNCN tại mục [14] ghi: “Thu nhập từ tiền lương và Trợ cấp chấm dứt hợp đồng”

Nội dung trên thư xác nhận thu nhập: Ngân hàng tách làm hai loại thu nhập là thu nhập từ Tiền lương và Trợ cấp chấm dứt hợp đồng lao động. Cách ghi chứng từ khấu trừ thuế TNCN và thư xác nhận thu nhập như vậy đã chính xác chưa?

Trả lời: (Trích yếu tại Công văn 2733/CT-TTHT của Cục Thuế TP Hà Nội ngày 18/01/2018)

- Căn cứ Khoản 1 Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính

- Căn cứ Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính

+ Tại Khoản 2 Điều 2 quy định về các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công;

+ Tại Điều 25 quy định về khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế.

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Ngân hàng và người lao động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động (từ 03 tháng trở lên), Ngân hàng thực hiện trả lương và các khoản hỗ trợ, trợ cấp cho người lao động thì:

+ Các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật lao động và Luật bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng không chịu thuế TNCN.

+ Các khoản tiền lương, tiền công, tiền phụ cấp, trợ cấp chịu thuế TNCN, Ngân hàng thực hiện khấu trừ theo biểu lũy tiến từng phần và cấp chứng từ khấu trừ thuế theo yêu cầu của người lao động.

Các nội dung trong Thư xác nhận thu nhập, Ngân hàng tự thỏa thuận với người lao động đảm bảo phù hợp với các quy định liên quan.

Câu hỏi 16: Hồ sơ đăng kí giảm trừ gia cảnh cho mẹ vợ ngoài độ tuổi lao động bao gồm những giấy tờ gì?

Trả lời:

- Căn cứ Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính

Căn cứ quy định trên, trường hợp người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là mẹ vợ ngoài độ tuổi lao động và có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 (một) triệu đồng thì hồ sơ chứng minh người phụ thuộc gồm: Bản chụp Chứng minh nhân dân, Giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế như bản chụp sổ hộ khẩu (nếu có cùng sổ hộ khẩu), giấy khai sinh.

Trường hợp ông Lưu Tiến Dũng đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là mẹ vợ ngoài độ tuổi lao động từ tháng 12/2017 thì không bắt buộc phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi người phụ thuộc đang cư trú.

Người nộp thuế được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

Người nộp thuế phải cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc người phụ thuộc không có thu nhập hoặc thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không quá 01 (một) triệu đồng.

Câu hỏi 17: Khoản chi phí visa cho NLĐ nước ngoài do công ty trả thay có tính vào thu nhập chịu thuế TNCN không?

Trả lời:

- Căn cứ Điều 1 Luật số 26/2016/QH13 ngày 22/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Thuế TNCN.

- Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Nghị định 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

- Căn cứ Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính quy định về các khoản thu nhập chịu thuế

- Căn cứ hướng dẫn tại Công văn 3867/TCT-TNCN ngày 25/8/2017 của Tổng cục Thuế.

Trường hợp các khoản chi phí làm thẻ tạm trú, visa cho người lao động nước ngoài do công ty chi trả thay cho người lao động thì các khoản này tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công và kê khai nộp thuế TNCN theo quy định.

Câu hỏi 18: Chi phí hợp đồng dịch vụ xin giấy phép lao động của người nước ngoài tại VN do Công ty chi trả có tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động không?

Trả lời: Căn cứ hướng dẫn tại Công văn 3867/TCT-TNCN ngày 25/8/2017 của Tổng cục Thuế.

Trường hợp Công ty X thuê người lao động là người nước ngoài thì Công ty có trách nhiệm đề nghị cấp phép lao động nên chi phí làm giấy phép lao động do Công ty chi trả không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.

Câu hỏi 19: Đơn vị A chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, có trả khoản trợ cấp thôi việc theo quy định, thì khoản trợ cấp này có tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của NLĐ.

Trả lời: Căn cứ Điểm b Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của BTC

Các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật lao động và Luật bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng không chịu thuế TNCN.

Câu hỏi 20: Đến cuối năm chia thưởng, Công ty A trả thêm cho NLĐ đã chấm dứt hợp đồng lao động (ngoài quy định của Bộ Luật LĐ và Luật BHXH) một khoản tiền hỗ trợ tài chính tương ứng với thời gian làm việc của NLĐ trong năm thì có tính vào thu nhập chịu thuế TNCN không?

Trả lời: Căn cứ Đểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của BTC

Đối với khoản hỗ trợ tài chính mà Công ty trả thêm cho người lao động (ngoài quy định của Bộ luật lao động và Luật bảo hiểm xã hội) sau khi đã chấm dứt hợp đồng lao động, nếu khoản chi này từ hai triệu (2.000.000) đồng trở lên thì Công ty thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% trước khi chi trả.

Câu hỏi 21: Trường hợp cá nhân là người Việt Nam được Công ty cử đi thực tập, đào tạo tay nghề tại nước ngoài, cá nhân đó có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế thì được xác định là cá nhân cư trú hay không cư trú tại Việt Nam?

Trả lời: Căn cứ Công văn 4936/TCT-TNCN ngày 25/10/2017 của TCT

Cá nhân là đối tượng cư trú tại nước ngoài nếu cá nhân chứng minh là đối tượng cư trú tại nước ngoài theo quy định của nước ngoài và cá nhân được xác định là không cư trú tại Việt Nam và kê khai thu nhập chịu thuế TNCN phát sinh tại Việt Nam theo thuế suất toàn phần.

Nếu cá nhân không chứng minh là đối tượng cư trú tại nước ngoài theo quy định của nước ngoài thì cá nhân được xác định là cư trú tại Việt Nam. Cá nhân có trách nhiệm kê khai thu nhập phát sinh tại Việt Nam và thu nhập phát sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam (nếu có) theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.

Câu hỏi 22: Cá nhân (không phân biệt cá nhân cư trú hay không cư trú) có thu nhập từ chuyển nhượng hợp đồng tương lai trên thị trường chứng khoán phái sinh áp dụng thuế suất bao nhiêu?

Trả lời: Căn cứ CV 11133/BTC-CST ngày 21/8/2017 của BTC V/v chính sách thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng hợp đồng tương lai trên thị trường chứng khoán phái sinh

Cá nhân (không phân biệt cá nhân cư trú hay không cư trú) có thu nhập từ chuyển nhượng HĐTL trên thị trường chứng khoán phái sinh áp dụng tỷ lệ thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.

Câu hỏi 23: Công ty TNHH MTV A ký hợp đồng với cá nhân (nhóm cá nhân) không có đăng ký kinh doanh theo thời vụ để thi công lắp đặt đường ống, duy tu, sửa chữa các công trình cấp thoát nước, chăm sóc cây xanh… thì Công ty có trách nhiệm yêu cầu cá nhân, nhóm cá nhân giao hóa đơn lẻ do cơ quan thuế cấp khi thực hiện thanh toán theo hợp đồng để làm chứng từ hạch toán chi phí không?

Trả lời:

- Căn cứ Khoản 2, Điều 2; Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của BTC

- Căn cứ Khoản 1 Điều 13 Thông tư 39/2010/TT-BTC ngày 31/03/2014 của BTC

Công ty có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN theo thuế suất toàn phần: 10% trước khi chi trả cho cá nhân, không phân biệt cá nhân là đại diện cho nhóm cá nhân

Câu hỏi 24: Từ  01/01/2015, Khoản phí người sử dụng lao động mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc không có tích lũy về phí bảo hiểm có tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động không?

Trả lời: Căn cứ khoản 3, Điều 11, Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của BTC

Không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động đối với khoản phí người sử dụng lao động mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc không có tích lũy về phí bảo hiểm.

Câu hỏi 25: Cơ quan chi trả thu nhập thực hiện đăng ký thuế cho cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và đăng ký thuế cho người phụ thuộc của cá nhân thời điểm nào?

Trả lời: Căn cứ Khoản 5 Điều 6 Thông tư 95/2016/TT-BTC

Cơ quan chi trả thu nhập thực hiện đăng ký thuế cho cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và đăng ký thuế cho người phụ thuộc của cá nhân chậm nhất là 10 (mười) ngày làm việc trước thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Câu hỏi 26: Thu nhập đối với thừa kế, quà tặng là chứng khoán không giao dịch trên Sở chứng khoán thì giá trị của chứng khoán làm căn cứ tính thuế là gì?

Trả lời: Căn cứ Điều 19 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của BTC

Giá trị của chứng khoán được căn cứ vào giá trị sổ sách kế toán của công ty phát hành loại chứng khoán đó tại thời điểm lập báo cáo tài chính gần nhất theo quy định của pháp luật về kế toán trước thời điểm đăng ký quyền sở hữu chứng khoán.

6958 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;