Giải đáp việc ký hợp đồng với viên chức

Ông Trịnh Khắc Tuyến (daonguyentrinh@...) hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng nghề GTVT Đường thủy I, đề nghị giải đáp về việc ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) và hợp đồng làm việc (HĐLV) đối với quá trình công tác của ông.

Ông Tuyến tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp Máy tàu thủy và có bằng máy trưởng hạng Nhì phương tiện thủy nội địa. Năm 2002, ông làm tại Công ty nạo vét và xây dựng đường thuỷ I. Từ tháng 4/2006 đến nay, ông chuyển về công tác tại trường Công nhân kỹ thuật Đường thuỷ, nay đã được sáp nhập vào Trường Cao đẳng nghề GTVT Đường thủy I.

Quá trình tuyển dụng của ông Tuyến tại nhà trường như sau:

- Ký HĐLĐ thử việc 3 tháng (từ tháng 17/4/2006 - 30/6/2006)

- Ký HĐLĐ có thời hạn (từ tháng 01/7/2006 - 30/6/2007)

- Ký HĐLĐ có thời hạn (từ tháng 1/7/2007 - 30/6/2008)

- Ký HĐLĐ có thời hạn (từ tháng 1/7/2008 - 30/6/2009)

- Ký HĐ làm việc có thời hạn (từ tháng 1/7/2009 - 30/6/2010)

- Ký HĐ làm việc có thời hạn (từ tháng 1/7/2010 - 30/6/2011) và gia hạn 1 tháng

- Ký HĐLĐ có thời hạn (từ tháng 1/8/2011-31/7/2012)

Ngày 26/6/2012, ông Tuyến nhận được Thông báo về việc chấm dứt HĐLĐ của Trường Cao đẳng nghề GTVT Đường thủy I. Ông Tuyến thắc mắc, việc phải ký lại HĐLĐ hàng năm như trên có đúng quy định không và việc chuyển từ HĐLĐ sang hợp đồng làm việc (HĐLV) và rồi lại chuyển về HĐLĐ là như thế nào?

Ngoài ra, nhà trường thông báo chấm dứt HĐLĐ với ông liệu có đúng và ông có được tiếp tục tuyển dụng làm việc như viên chức tại Trường Cao đẳng nghề GTVT đường thủy I nữa hay không? Cách xử lý như thế nào để phù hợp với Luật Viên chức?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp các câu hỏi của ông Tuyến như sau:

Các loại HĐLV của viên chức

Trước ngày 1/1/2012, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Điều 15 Nghị định 116/2003/NĐ- CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung theo khoản 4 Điều 1 Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 quy định các loại HĐLV của viên chức trong đơn vị sự nghiệp như sau:

- HĐLV lần đầu có thời hạn bằng thời gian thử việc tương ứng với mỗi loại viên chức. Nếu đạt yêu cầu trong thời gian thử việc thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý viên chức ký tiếp HĐLV theo hình thức HĐLV có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; hoặc HĐLV không có thời hạn; hoặc HĐLV đặc biệt.

- Hợp đồng làm việc lần đầu áp dụng đối với người được tuyển dụng trong thời gian thử việc;

- Hợp đồng làm việc có thời hạn áp dụng đối với người đã đạt yêu cầu sau thời gian thử việc;

- Hợp đồng làm việc không có thời hạn áp dụng đối với các trường hợp đã có hai lần liên tiếp ký hợp đồng làm việc có thời hạn.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 25 Luật Viên chức 2010 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2012, các loại HĐLV của viên chức gồm:

- HĐLV xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. HĐLV xác định thời hạn áp dụng đối với người trúng tuyển vào viên chức, trừ trường hợp cán bộ công chức chuyển thành viên chức.

- HĐLV không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. HĐLV không xác định thời hạn áp dụng đối với trường hợp đã thực hiện xong HĐLV xác định thời hạn và trường hợp cán bộ, công chức chuyển thành viên chức.

Một số công việc áp dụng HĐLĐ

Điều 1 Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ quy định thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc sau đây trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp như sau: Sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở công sở, xe ô tô và các máy móc, thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp; Lái xe; Bảo vệ; Vệ sinh; Trông giữ phương tiện đi lại của cán bộ, công chức và khách đến làm việc với cơ quan, đơn vị sự nghiệp; Công việc khác như: nấu ăn tập thể, tạp vụ, mộc nề, chăm sóc và bảo vệ cảnh quan trong cơ quan, tổ chức, đơn vị,...

Theo các quy định nêu trên thì vị trí làm việc, chức danh nghề nghiệp viên chức hoặc vị trí làm việc, các loại công việc phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập là yếu tố quyết định việc áp dụng HĐLV hoặc áp dụng HĐLĐ khi giao kết hợp đồng.

Trường hợp ông Trịnh Khắc Tuyến hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng nghề GTVT Đường thủy I, thông tin ông Tuyến cung cấp không nêu rõ vị trí làm việc và công việc của ông tại nhà trường qua từng thời kỳ, nhưng nếu các hợp đồng nhà trường đã ký được áp dụng đúng với tên gọi, thì qua các hợp đồng đó có thể thấy thời gian làm việc của ông Tuyến tại đơn vị sự nghiệp công lập này được chia làm 2 giai đoạn tương ứng với công việc và tên gọi hợp đồng như sau:

- Giai đoạn ông Tuyến được tuyển dụng làm một trong các công việc nêu tại Điều 1 Nghị định 68/2000/NĐ-CP: Ngày 1/7/2006, ông ký kết HĐLĐ có thời hạn 1 năm lần thứ nhất. Ngày 1/7/2007, ký HĐLĐ có thời hạn 1 năm lần thứ 2. Ngày 1/7/2008, ký HĐLĐ có thời hạn 1 năm lần thứ 3.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 27 Bộ Luật Lao động, trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm một thời hạn, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Theo luật sư, nếu thực hiện đúng quy định tại khoản 2, Điều 27 Bộ luật Lao động thì từ HĐLĐ ký ngày 1/7/2008, đơn vị phải chuyển sang loại HĐLĐ không xác định thời hạn, sau đó hai bên không cần thiết phải ký lại HĐLĐ nữa. Tuy nhiên, ngày 1/7/2009, ông Tuyến đã được đơn vị tuyển dụng vào viên chức, hai bên đã thỏa thuận ký HĐLV. Theo đó, HĐLĐ đã ký ngày 1/7/2008 hết hiệu lực từ thời điểm ông được ký HĐLV.

- Giai đoạn ông Tuyến được tuyển dụng vào vị trí làm việc và chức danh nghề nghiệp của viên chức: Ngày 1/7/2009, đơn vị ký với ông Tuyến HĐLV có thời hạn 1 năm lần thứ nhất. Tiếp theo, ngày 1/7/2010, ký HĐLV có thời hạn 1 năm lần thứ 2 (sau đó gia hạn 1 tháng).

Theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 15 Nghị định 116/2003/NĐ-CP đã được sửa đổi theo khoản 4 Điều 1 Nghị định số 121/2006/NĐ-CP thì đến ngày 1/8/2011, nếu nhà trường vẫn có nhu cầu sử dụng và chỉ tiêu biên chế đối với vị trí việc làm của ông Tuyến, thì nhà trường phải ký HĐLV không có thời hạn với ông Tuyến, nhưng nhà trường lại ký kết với ông Tuyến hợp đồng gọi là HĐLĐ. Theo luật sư, nếu sau ngày 1/8/2011, ông Tuyến tiếp tục làm việc ở vị trí và chức danh nghề nghiệp viên chức như 2 HĐLV đã thực hiện thời gian trước đó, thì việc thay đổi tên gọi từ HĐLV sang tên gọi HĐLĐ cũng không làm thay đổi bản chất, nội dung của HĐLV. Hợp đồng nhà trường ký với ông Tuyến ngày 1/8/2011 dù có tên gọi khác nhưng đó là HĐLV của viên chức và hợp đồng đó theo quy định phải là HĐLV không có thời hạn, tức là không xác định thời hạn kết thúc.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Viên chức 2010 thì từ ngày 1/1/2012, ông Tuyến tiếp tục thực hiện HĐLV đã ký kết với nhà trường ngày 1/8/2011 và HĐLV này không xác định thời hạn kết thúc.

Nhà trường chỉ được đơn phương chấm dứt HĐLV đối với ông Tuyến nếu có căn cứ phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức.

Theo Báo điện tử Chính phủ

415 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;